Ngày 19/12/2024, tại Hội Trường khách sạn Hoàng Kim, TP Phan Rang –Tháp Chàm. Trung tâm khuyến nông Ninh Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết và nghiệm thu mô hình thuộc dự án “ Xây dựng mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại tỉnh Ninh Thuận.
Tham dự hội nghị gồm có đại diện của: Sở Nông nghiệp &PTNT Ninh Thuận, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, Trung tâm khuyến nông tỉnh Khánh Hoà, Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Yên, Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Hải, UBND xã, Hội nông dân xã cùng với 50 hộ diên dân sản xuất muối thuộc các xã Phương Hải, Nhơn Hải, Tri Hải (của huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận); 30 đại biểu bà con diên dân tại 02 tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên là cùng về tham dự .
Tại hội nghị đã thông qua các báo cáo tham luận về kết quả mô hình sản xuất muối sạch tại 03 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Phú Yên, các đại biểu tham dự cùng tham gia thảo luật, trao đổi ý kiến, đề xuất các giải pháp nhân rộng mô hình tại các địa phương tham gia dự án, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm muối, thực hiện mô hình tại các địa phương….vv.
Với Mục tiêu: Tạo vùng nguyên liệu muối chất lượng cao phục vụ cho chế biến, tăng thu nhập cho diên dân, góp phần phát triển sản xuất muối bền vững. Hình thành 01 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo lượng tiệu thụ từ 60% trở lên lượng muối sản xuất của mô hình. Tổ chức hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan, sơ kết tổng kết, thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến kết quả và nhân rộng mô hình. Hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với ngoài mô hình; nhân rộng mô hình trên 15% quy mô dự án được phê duyệt.
Dự án được thực hiện trong 02 năm (từ năm 2023 đến năm 2024 tại 03 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Phú Yên; Trung tâm Khuyến nông Khánh Hoà chủ trì thực hiện dự án; Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận và Phú Yên phối hợp thực hiện).
Trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận triển khai mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong năm 2024 với quy mô 1ha (01 hộ dân tham gia).
Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50 % kinh phí mua các loại vật tư trang thiết bị phục vụ cho dự án như: Bạt nhựa HDPE độ dày 1,0-1,2mm, máy bơm nước, Ống nhựa PVC, ống nhựa da rắn, dây điện nhôm…vv, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất muối sạch…
Mô hình sản xuất theo phương pháp phơi nước phân tán với quy mô 01 ha, trải bạt nhựa HDPE ô kết tinh 1.200 m2 và hồ chứa nước chạt 245 m2. Năng suất dự kiến đạt 177 tấn/ha/vụ, cao hơn mô hình sản xuất truyền thống 55 tấn/ha/vụ. Thời gian kết tinh hạt muối giảm (từ 8-10 ngày xuống còn 3-7 ngày), giúp rút ngắn chu kỳ sản xuất, tiết kiện thời gian, tăng năng suất lao động, giúp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế thất thoát sản phẩm. Hạt muối chắc to, có màu trắng trong, ít lẫn tạp chất. Năng suất cao hơn sản xuất truyền thống 45%; giá bán cao hơn với sản xuất muối thông thường từ 20-30%. Sản phẩm muối thu được đạt chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9638:2013. Hiệu quả kinh tế tăng 24% so với sản xuất muối truyền thống. Hộ dân tham gia dự án được hưởng lợi tất cả các phần kinh phí hỗ trợ đầu tư theo quy định đã được phê duyệt và toàn bộ các sản phẩm do dự án tạo ra trên ruộng sản xuất của mình.
Dự án triển khai đã giúp cho hộ dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tăng hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, là tiền đề để các hộ diên dân trong vùng học hỏi kinh nghiệp, áp dụng và làm theo, thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu, nâng cao giá trị sản xuất cho nghề muối.
Từ những hiệu quả bước đầu mà mô hình mang lại, mô hình hoàn toàn có khả năng nhân rộng ở các vùng sản xuất muối trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình sản xuất muối sạch trải bạt HDPE ô kết tinh phù hợp xu hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiện nay. Góp phần chuyển đổi từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối theo công nghệ muối sạch đạt hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình sản xuất muối sạch đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước hình thành vùng nguyên liệu muối sạch. Từ đó thúc đẩy các hộ dân, Hợp tác xã sản xuất muối trong vùng mạnh dạn đầu tư máy móc, hệ thống chế biến các sản phẩm sau muối gắn với chương trình OCOP “chương trình mỗi xã một sản phẩm” để nâng cao giá trị cho mặt hàng muối, giúp các sản phẩm từ muối trở thành các sản phẩm đặc thù của địa phương. Mở ra hướng đi mới trong nghành sản xuất muối gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con diên dân, giúp cho hộ dân có thể vươn lên thoát nghèo làm giàu từ nghề muối.