Thực hiện Kế hoạch số 413/KH-CCPTNT ngày 09/9/2024 của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, nhằm tạo điều kiện để lãnh đạo, cán bộ Chi cục và cán bộ chủ chốt các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được tiếp cận các mô hình HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, liên kết tiêu thụ nông sản cũng như đa dạng các sản phẩm trong sản xuất Nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong 03 ngày 30/9 đến 01/10/2024, Chi cục Phát triển nông thôn Ninh Thuận tổ chức chuyến tham quan học tập kinh nghiệm mô hình Hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả, Hợp tác xã tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Bến Tre. Tham gia đoàn công tác có ông Kiều Tấn Đạt - Chi cục trưởng; cán bộ phòng Phát triển nông thôn và cán bộ chủ chốt của các Hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu, tham gia liên kết trên địa bàn toàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Phụng – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre báo cáo tình hình hoạt động của lĩnh vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã tỉnh và chia sẽ những kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, tham mưu xây dựng chính sách.
Đến cuối năm 2023 tỉnh Bến Tre có 01 liên hiệp Hợp tác xã và 151 Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Trong công tác quản lý, Chi cục thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về Hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương; nhất là việc báo cáo số liệu định kỳ về Hợp tác xã nông nghiệp, THT nông nghiệp trên phần mềm quản lý Hợp tác xã nông nghiệp do Cục Kinh tế và hợp tác tạo lập. Bên cạnh đó Chi cục luôn tích cực triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển Hợp tác xã nông nghiệp nhất là các cơ chế, chính sách của tỉnh.
Hợp tác xã Cây giống – Hoa kiểng Cái Mơn, thành công từ việc tạo lập lòng tin với thành viên. Đến thăm Hợp tác xã Cây giống - Hoa kiểng Cái Mơn, đoàn được ông Dương Văn Huyền - Giám đốc Hợp tác xã chia sẽ những kinh nghiệm hay về công tác quản lý, tìm kiếm thị trường đầu ra sản phẩm đặc biệt là xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của Hợp tác xã.
Các sản phẩm cây giống, hoa kiểng của HTX trước đây chỉ bán cho thị trường trong tỉnh và khu vực ĐBSCL thì nay đã bán khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung và cả miền Bắc. Những sản phẩm cây giống của HTX có dán tem nhãn hẳn hoi để xác nhận và bảo đảm chất lượng cây giống cho nông dân khi trồng…Do nhu cầu trồng cây ăn trái phát triển và những kinh nghiệm đã tích lũy được của nhà vườn, các chủ vườn tại Cái Mơn lần lượt ghép thành công nhiều loại cây giống khác và bán đại trà. Tiếng lành bay xa, từ đó xứ Cái Mơn của Bến Tre nghiễm nhiên được người ta gọi là “vương quốc” cây giống, hoa kiểng. Hiện nay, Vĩnh Thành (Cái Mơn) có 10 ấp được tỉnh công nhận là 10 làng nghề cây giống, hoa kiểng. Những xã viên của HTX Cây giống và Hoa kiểng Cái Mơn là những nông dân cần cù, thông minh, sáng tạo và rất nhạy bén với thị trường.
Bài học rút ra từ chuyến tham quan học tập
Qua chuyến tham quan học tập mô hình tại Hợp tác xã Cây giống – Hoa kiểng Cái Mơn của tỉnh Bến Tre, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm để các Hợp tác xã nông nghiệp tại Ninh Thuận có thể học tập đó là:
Nhìn chung về xuất phát điểm của các Hợp tác xã ở Bến Tre và Ninh Thuận đều có nét tương đồng nhưng để thành công thì điều kiện tiên quyết chính là vai trò của người đứng đầu Hợp tác xã, phải là người năng động, dám nghĩ dám làm, biết vận dụng các cơ chế chính sách của Nhà nước, tạo được lòng tin đối với thành viên, thay đổi cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ quản lý Hợp tác xã. Ngoài ra hợp tác xã phải tạo được cơ chế thông thoáng cho Hội đồng quản trị Hợp tác xã hoạt động, tạo động lực làm việc bằng tiền công, tiền lương và chế độ bảo hiểm xã hội…
Bên cạnh đó, muốn thành công trong nền kinh tế thị trường thì Hợp tác xã cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên doanh liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; mạnh dạn đầu tư trang thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ.
Kết thúc chuyến công tác thành công tốt đẹp, tạo thêm động lực để đội ngũ quản lý, điều hành Hợp tác xã tìm tòi, phát huy lợi thế của địa phương, nhằm phát triển tốt các Hợp tác xã mở rộng các dịch vụ, làm giàu cho thành viên góp phần xây dựng nông thôn mới cho tỉnh nhà.