Triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 3/2024 trên địa bàn tỉnh
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong hơn 9 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 09 ổ dịch Cúm gia cầm cúm A/H5N1 tại 08 tỉnh; số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 86.000 con (tăng 2,54 lần). Xảy ra 105 ổ dịch Viêm da nổi cục tại 18 tỉnh, số trâu, bò mắc bệnh 568 con, số chết và tiêu hủy là 120 con; 60 ổ dịch Lở mồm long móng tại 19 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh 2.075 con (tăng 2,75lần). Cả nước có 294 trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh Dại, số chó, mèo đã tiêu hủy là 554 con đã được báo cáo tại 35 tỉnh, thành phố…. Riêng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra 1.107 ổ dịch (tăng 2,46 lần) tại 47 tỉnh, thành phố, với hơn 68.000 con lợn mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy (tăng 2,89 lần). Thông qua kết quả giám sát chủ động, bị động và giải trình tự gien của các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm cho thấy các loại mầm bệnh này còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và trong quần thể gia súc, gia cầm.
Page Content
Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm 2024 đến nay, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như LMLM, CGC, Tai xanh heo, Dại chó, VDNC trên trâu bò và các bệnh truyền nhiễm thông thường khác đang được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ngày 23/9/2024 ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đầu tiên xảy ra tại thôn Nha Hố 1, xã Nhơn Sơn, huyên Ninh Sơn. Lũy kế từ ngày 23/9/2024 đến ngày 28/10/2024, DTLCP đã xảy ra tại 10 hộ chăn nuôi thuộc 9 thôn của 06 xã /5 huyện (Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Nam), với số lượng lợn bệnh, chết và tiêu hủy 353 con (trong đó, tiêu hủy là 169 con, với trọng lượng 3.846,4kg). Đến ngày 29/10/2024, bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế, đã có 02 xã công bố hết dịch bệnh DTLCP: xã Phước Tiến (Quyết định số 1830/QĐ-UBND ngày 23/10/2024 của UBND huyện Bác Ái), xã Nhơn Sơn (Quyết định số 2995/QĐ-UBND ngày 28/10/2024 của UBND huyện Ninh Sơn); còn 5 thôn/4 xã/4 huyện, dịch chưa qua 21 ngày (xã Bắc Sơn, Mỹ Sơn, Tri Hải và xã Nhị Hà).
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng. Ngày 15/0/2024 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Văn bản số số 4795/UBND-KTTH V/v triển khai “Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, môi trường” đợt 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh, theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai “Tháng tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường” đợt 3 năm 2024 đồng loạt tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, nhất là tại các vùng trọng điểm, vùng dịch uy hiếp; vùng nguy cơ cao, thường xuyên xuất hiện dịch bệnh để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt bắt đầu từ ngày 16/10/2024 - 16/11/2024; nội dung thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch số 982/KH-UBND ngày 01/3/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Cụ thể: Tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục với tần suất 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên và 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo trong vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp; đối với vùng giám sát với tần suất 1 lần/tuần trong vòng 1 tháng. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) chậm nhất ngày 21/11/2024 để tổng hợp báo cáo Ủy ban và Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
Theo đó, các ngành liên quan, địa phương ban hành Kế hoạch, văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 3 năm 2024 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tổ chức phun xịt hóa chất, rãi vôi tiêu độc, khử trùng có trọng điểm, những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh; trước khi phun hóa chất sát trùng, phải làm sạch đối tượng tiêu độc, khử trùng bằng biện pháp cơ học (phát quang, quét dọn, cạo, cọ rửa...); đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm và các phương tiện, dung cụ trong quá trình tiêu độc, khử trùng. Người tham gia phải được trang bị dụng cụ, bảo hộ lao động như: Bình bơm, khẩu trang, ủng,... và được trang bị kiến thức về vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh động vật. Nguồn hóa chất Benkocid được Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ cho các địa phương từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ Ninh Thuận phòng chống dịch bệnh động vật (theo Quyết định 1396/QĐ-UBND ngày 22/10/2024 Ủy ban nhân dân tỉnh) để triển khai thực hiện tại các địa phương.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO tiếp nhận hoá chất từ nguồn dự trữ quốc gia (theo Quyết định 3494/QĐ-BNN-TY ngày 15/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) và phân phối cho các huyện, thành phố kịp thời theo đúng chế độ, chính sách và đúng đối tượng được sử dụng hoá chất tại Điều 1 Quyết định số 1396/QĐ-UBND ngày 22/10/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Công văn số 4200/SNNPTNT-KH ngày 23/10/2024).
Lực lượng tham gia được UBND cấp xã huy động từ các đoàn thể, Ban Nông nghiệp, Thanh niên, nhân dân trên địa bàn và chịu trách nhiệm thành lập các đội tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tập trung tại các địa phương, nhằm tiêu diệt, ngăn chặn mầm bệnh phát sinh gây bênh cho vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Nguyễn Điều -Phòng QLDB- Chi cục Chăn nuôi và Thú y