Ngày 17/9/2023, tại ruộng lúa hộ ông Trần Văn Tấn, thôn Rồ Ôn, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam. Trung tâm khuyến nông Ninh Thuận phối hợp với Công ty CP Đầu tư Đại Nông Phát và Công ty CP Giống cây trồng Bình Định đã tổ chức Hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ áp dụng quy trình " 1 phải 5 giảm" kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh.

Tham dự hội thảo gồm có đại diện của: Trung tâm Khuyến nông; Phòng Nông nghiệp & PTNT, Hội nông dân (huyện Thuận Nam); đại diện lãnh đạo UBND xã, hội nông dân xã cùng với 40 hộ nông dân, HTX trực tiếp sản xuất lúa của xã Phước Hà và xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam cùng về tham dự.
Vụ Hè Thu năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận phối hợp với Công ty cổ phần giống cây trồng Bình Định và Công ty cổ phần Đầu tư Đại Nông Phát tổ chức trình diễn mô hình giống lúa mới chất lượng cao áp dụng quy trình " 1 phải 5 giảm" kết hợp sự dụng phân hữu cơ sinh học tại thôn Rồ Ôn, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, với quy mô 0,5 ha giống lúa cấp xác nhận Q5.
Nhằm giúp cho bà con nông dân tại địa phương và các xã lân cận tiếp cận được những tiến bộ trong sản xuất và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình mẫu, điển hình để bà con học tập, làm theo từ đó có thể mạnh dạn áp dụng những khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp tại gia đình.
Mô hình trình diễn đã đưa các kỹ thuật mới vào trong sản xuất lúa như: sử dụng giống lúa mới cấp xác nhận để gieo. Giảm mật độ gieo sạ từ 250-300 kg/ha xuống còn 120-150 kg/ha. Áp dụng phương pháp bón phân cân đối và hiệu quả. Sử dụng phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất và giúp bộ rễ lúa phát triển khỏe, chống chịu điều kiện thời tiết bất lợi. Áp dụng quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Qua theo dõi thực tế trên đồng ruộng cho thấy: Mô hình áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư về vật tư nông nghiệp. Đặc biệt giảm chi phí đầu tư về phân bón cho các vụ sản xuất tiếp theo. Cây sinh trưởng phát triển khỏe, đồng đều, chín tập trung, sâu bệnh ít, giảm công lao động phun thuốc BVTV. Năng suất cao, ổn định, chi phí giảm và hiệu quả kinh tế tăng lên. Tăng khả năng quang hợp trên cây lúa; khi gieo sạ thưa sẽ không có nơi cho cho đối tượng gây hại như: sâu, rầy, bọ trĩ,... trú ngụ. Cây lúa phát triển khỏe chống đổ ngã khi điều kiện thời tiết bất lợi như: mưa giông, gió lớn,...
Áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” kết hợp canh tác hữu cơ nên đã giảm lượng giống gieo, giảm thuốc BVTV. Do đó, giảm ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV gây ra; đồng thời giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh tạo cho môi trường đất thông thoáng, an toàn khi sản xuất, không có dư lượng độc hại làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, bảo vệ thiên địch có ích trên đồng ruộng.
Mô hình trình diễn giống lúa Q5 theo hướng hữu cơ Vụ Hè Thu 2023 tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan. Mô hình đã giảm được lượng giống gieo sạ từ 250-300 kg/ha xuống còn 120/kg/ha, không sử dụng phân bón vô cơ và chỉ sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ vinh sinh và thuốc BVTV sinh học. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh giúp cho đất tơi xốp, thoáng khí, giàu dinh dưỡng và hạn chế ô nhiễm môi trường
Sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn (giống cấp xác nhận), xử lý hạt giống kỹ trước khi gieo sạ, bón phân hữu cơ vi sinh, tưới tiêu nước tiết kiệm, quản lý sâu bệnh theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đã giúp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, thân thiên môi trường. Năng suất đạt 70 tạ/ha.
Thành công của mô hình trình diễn giống lúa Q5 theo hướng hữu cơ áp dụng quy trình "1 phải 5 giảm" là giải pháp kỹ thuật canh tác và sản xuất lúa lâu dài và bền vững. Trong thời gian tới các ban nghành, địa phương cần tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân áp dụng vào sản xuất lúa nhằm nâng cao năng xuất, sản lượng để phát triển kinh tế cho nông hộ, đồng thời hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng nhằm tạo ra một nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.
Nguồn: Nguyễn Xuân Hào-Trung tâm Khuyến nông.