Sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá cho cây mía tại huyện Ninh Sơn
Mía là một trong những cây trồng có diện tích lớn trên địa bàn huyện Ninh Sơn với diện tích khoảng trên 2.100 hecta. Cây mía được xem là loại cây trồng giúp bà con nông dân thoát nghèo trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, trong những năm gần đây chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công ngày càng tăng nên chi phí đầu tư cho cây mía cũng tăng theo, từ đó làm giảm lợi nhuận của người trồng mía.
Page Content

Từ những khó khăn trên, việc làm thế nào để có thể giảm được chi phí đầu vào và tăng được lợi nhuận đang là nỗi trăn trở không chỉ riêng bà con trồng mía mà còn của các cấp lãnh đạo địa phương.
Hiện nay, nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ cao đã được đưa vào trong sản xuất nông nghiệp, nhằm giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư và nâng cao được giá trị nông sản.
Với những lợi thế đó, Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang đã mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mô hình “Phun phân bón lá kết hợp với thuốc trừ sâu đục thân cho cây mía bằng máy bay không người lái đợt 1” trên địa bàn huyện Ninh Sơn, tập trung ở các xã Lâm Sơn, Quảng Sơn và Mỹ Sơn với diện tích thực hiện được 149 ha.
Mỗi hecta mía việc phun phân bón lá hoặc thuốc BVTV bằng thủ công phải cần ít nhất 4 - 5 người trong một ngày, với chi phí khoảng 300.000 đồng/người/ngày, như vậy 1 ha sẽ mất từ 1.200.000 - 1.500.000 đồng tiền phun thuốc. Tuy nhiên, việc phun thuốc bằng máy bay chỉ tốn thời gian khoảng 15 phút và chỉ cần 60 lít nước để phun, chi phí cho 1 ha là 420.000 đồng/ha. Ngoài ra, khi sử dụng máy bay thì lượng thuốc cũng sẽ giảm được khoảng 30%, vì máy bay có thể phun dưới dạng sương và với áp lực của cánh quạt giúp thuốc bám nhanh và điều vào bề mặt của lá mía.
Mỗi năm việc phun phân bón lá hoặc thuốc trừ sâu cho cây mía có thể thực hiện ít nhất 2 lần, với chi phí phun phân bón lá bằng máy bay là 420.000/ha/lần thì người trồng mía đã giảm được từ 780.000 - 1.080.000 đồng/ha/lần so với phương pháp thủ công.
Ông Nguyễn Hào ở thôn Tầm Ngân, xã Lâm Sơn cho biết “Năm nay tôi trồng 19 ha mía, nếu mỗi lần kêu công phun thuốc sâu và phân bón lá thì tốn chi phí rất lớn khoảng 30 triệu tiền thuê công phun thuốc. Ngoài ra, khi mía lớn thì việc phun thuốc và phân bón lá rất khó thực hiện, vì mía cao hơn người nên khi phun thuốc thì người phun sẽ bị thuốc dính hết vào người. Nhưng năm nay có nhà máy đường đem máy bay phun thuốc đến thì tôi thấy rất hiệu quả, 19ha mía của tôi chỉ phun trong một ngày đã xong, mà mía cao cũng phun tốt không có gì cản trờ”.
Ông Lê Vinh Thắng, phó phòng Nguyên liệu Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang cũng cho biết “Công ty đang bước đầu thử nghiệm tính hiệu quả của việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc cho cây mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Công ty đã thực hiện xong đợt 1 phun thử nghiệm với 149 ha và sắp tới trong tháng 09/2023 Công ty sẽ tiếp tục thực hiện đợt 2 với diện tích dự kiến 200 ha trên địa bàn huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Công ty cũng rất mong quý lãnh đạo địa phương của huyện và tỉnh có những chính sách phù hợp để có thể hỗ trợ Công ty thực hiện mở rộng mô hình này trên địa bàn huyện nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho bà con trồng mía”
Từ những hiệu quả của việc sử dụng máy bay không người lái trong việc phun phân bón lá và thuốc BVTV cho cây mía thì đây là dấu hiệu tốt cho ngành Nông nghiệp của huyện Ninh Sơn cũng như trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ngoài cây mía thì việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV có thể áp dụng trên nhiều loại cây khác nhau như lúa, bắp, đậu các loại...chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân.
Nguồn: Nguyễn Ngọc Hoàng Sơn-Trạm khuyến Nông Ninh Sơn - Bác Ái