Thực hiện “Giám sát an toàn dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản”.
Page Content
Thực hiện Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; Thông tư 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; Kế hoạch số 201/KH-CCCNTY ngày 20/7/2022 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y V/v Tổ chức tập huấn giám sát an toàn dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất giống. Ngày 10/8/2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận tổ chức tập huấn “Giám sát an toàn dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản năm 2022”.
Tham dự lớp tập huấn có Lãnh đạo Chi cục, cán bộ chuyên môn trực tiếp phụ trách, tham gia xây dựng và triển khai giám sát dịch bệnh tại cơ sở sản xuất tôm giống, cán bộ các phòng/trạm trực thuộc Chi cục, đại diện phòng Nông nghiệp huyện Ninh Phước, huyện Ninh Hải, huyện Thuận Nam và hơn 50 cán bộ kỹ thuật, các Công ty, Doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, các học viên được nghe phổ biến những thông tin về Kế hoạch phát triển ngành tôm Việt Nam; Tình hình nuôi tôm của Việt Nam và tỉnh Ninh Thuận; Các điều kiện đối với cơ sở an toàn toàn dịch bệnh động vật thủy sản; trình tự, thủ tục hồ sơ đăng ký cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản; Các quyền lợi khi được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản được quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 02/6/2016 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; Một số thông tin tuyên truyền pháp luật trong sản xuất giống thủy sản.
Ngoài ra, tại buổi tập huấn còn được nghe thêm thông tin vai trò của vi tảo trong sản xuất giống thủy sản và nuôi thương phẩm; thông tin về ứng dụng sản phẩm chiết xuất từ tỏi Ninh Thuận trong nuôi tôm công nghệ cao; Kết quả giám sát dịch bệnh trên trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, một số khó khăn trong công tác thú y thủy sản và xuất khẩu tôm; Những quy định của một số nước nhập khẩu tôm từ Việt Nam về an toàn dịch bệnh và giám sát dịch bệnh; Đồng thời nhấn mạnh bà con nuôi tôm cần quan tâm thực hiện cho tốt, đó là dư lượng kháng sinh trên tôm và nhiễm các bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), nhằm tạo ra sản phẩm tôm nuôi có chất lượng, vượt qua được các rào cản kỹ thuật, giữ vững thị trường tôm Việt Nam; Thông qua lớp tập huấn các học viên được hướng dẫn kỹ thuật thiết kế chương trình giám sát dịch bệnh và cách thức tổ chức thực hiện một chương trình giám sát dịch bệnh của cơ sở để phục vụ xuất khẩu và chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.
Kết quả thực hiện cơ sở an toàn dịch bệnh từ năm 2017 đến nay, đã có 12/14 cơ sở đã gởi hồ sơ đến Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận đề nghị cấp giấy Chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành lập đoàn, tổ chức kiểm tra, đánh giá, thẩm định tại cơ sở và đã cấp giấy Chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật thủy sản cho 12/13 cơ sở trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản đã được thực hiện giám sát sau 24 tháng theo quy định đối với 03 bệnh nguy hiểm: (1) Đốm trắng do vi rút (White spot disease-WSD), (2) Hoại tử gan tụy cấp tính (Acute hepatopancreatic necrosis disease-AHPND), (3) Hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (Infectious hypodermal and hematopoietic necrosis disease-IHHNV) theo Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật và đã chuyển 01hồ sơ về Cục thú y hướng dẫn. Sau khi kết thúc lớp tập huấn các cơ sở sẽ chủ động xây dựng Kế hoạch giám sát và gửi hồ sơ đăng ký đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y để thực hiện Kế hoạch giám sát và Chứng nhận cơ sở sản xuất giống thủy sản an toàn dịch bệnh./.
Nguồn: Đặng Văn Hiệp-Chi cục Chăn nuôi và Thú y