21 người đang online
°

Hoạt động thanh tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày 18 - 10 - 2022
Lượt xem: 885
100%

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 77 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại Heo, gà, vịt. Trong đó có 66 cơ sở nuôi heo, 10 cơ sở nuôi gà và 01 cơ sở nuôi vịt. Các cơ sở chăn nuôi này được phân bố tại địa bàn các huyện, nhiều nhất là huyện Ninh Sơn có 39 cơ sở (31 cơ sở nuôi heo, 07 cơ sở nuôi gà và 01 cơ sở nuôi vịt); huyện Bác Ái có 28 cơ sở (26 cơ sở nuôi heo, 02 cơ sở nuôi gà); huyện Ninh Phước có 06 cơ sở (05 cơ sở nuôi heo, 01 cơ sở nuôi gà); huyện Thuận Bắc có 03 cơ sở nuôi heo và huyện Thuận Nam có 01 cơ sở nuôi heo.

 

Trong số 77 cơ sở nêu trên, có 66 cơ sở chăn nuôi theo hình thức hợp đồng liên kết gia công với các Công ty. Liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP có 42 cơ sở, trong đó: 28 cơ sở nuôi heo thịt quy mô từ 500 - 1.300 con; 06 cơ sở nuôi heo thịt quy mô từ 1.800 - 4.800 con; 02 cơ sở nuôi heo nái quy mô từ 600 - 2400 con; 05 cơ sở nuôi gà thịt quy mô 14.000 – 21.000 con; 01 cơ sở nuôi vịt thịt quy mô 45.000 con. Liên kết với Công ty TNHH CJ Vina Agri có 23 cơ sở, trong đó: 13 cơ sở nuôi heo thịt với quy mô từ 500 - 1.300 con; 07 cơ sở nuôi heo thịt có quy mô từ 1.500 - 30.000 con; 03 cơ sở nuôi heo nái quy mô từ 2.400 - 5.000 con. Liên kết công với công ty Emivest có 01 cơ sở nuôi gà đẻ trứng quy mô 120.000 con. Còn lại, 11 cơ sở chăn nuôi theo hình thức tự nuôi hoàn toàn, không có liên kết, trong đó: có 06 cơ sở nuôi vừa heo nái, vừa heo thịt quy mô từ 150 - 700 con; 01 cơ sở nuôi heo vừa nái, vừa thịt quy mô 5.500 con và 04 cơ sở nuôi gà thịt quy mô từ 30.000 - 45.000 con.

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngày 06/9/2022 Chi cục trưởng đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-CCCNTY về việc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về chăn nuôi và thú y của các cơ sở chăn nuôi; cơ sở sản xuất giống động vật trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Trong tháng 9 và tháng 10/2022, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại 15 cơ sở chăn nuôi heo thịt: huyện Ninh Sơn: 05 cơ sở, huyện Ninh Phước: 02 cơ sở, huyện Thuận Bắc 02 cơ sở, huyện Bác Ái: 06 cơ sở. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, xác minh: có 04 cơ sở chăn nuôi đang ngừng hoạt động, trong đó: huyện Thuận Bắc 01 cơ sở, huyện Ninh Sơn 01 cơ sở (lý do: 02 cơ sở này có hệ thống chuồng trại không được thiết kế xây dựng mô hình Trại lạnh theo yêu cầu  thiết kế kỹ thuật của Công ty cổ phần chăn nuôi CP. Việt Nam, do đó Công ty không ký hợp đồng liên kết chăn nuôi, không thả heo giống) và huyện Bác Ái: 02 cơ sở  đã kết thúc đợt chăn nuôi heo trước đó. Sau đây là kết quả kiểm tra, xác minh:

- Về việc lưu trữ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động chăn nuôi: + Hầu hết 14/15 cơ sở đã chấp hành tốt, đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định: Có 14/15 cơ sở (93,3%) có Giấy xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường do UBND huyện cấp; có 01/15 cơ sở (6,7%) có Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đánh giá tác động môi trường Dự án Trang trại chăn nuôi heo Nguyễn Thành Đạt. Có 14/15 cơ sở (93,3%) có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

+ Trong 11 cơ sở chăn nuôi đang hoạt động có 08/11 cơ sở liên kết nuôi gia công với Công ty cổ phần chăn nuôi CP; có 03/11 cơ sở liên kết nuôi  gia công với Công ty TNHH CJ Vina Agri. Tất cả 11/11 cơ sở (100%) lưu giữ đầy đủ hồ sơ về quá trình hoạt động chăn nuôi như: Hợp đồng chăn nuôi gia công có thời hạn giữa Công ty cổ phần chăn nuôi CP, Công ty TNHH CJ Vina Agri với chủ cơ sở chăn nuôi; Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật xuất, nhập tỉnh; sổ theo dõi việc sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tại trang trại, lịch tiêm phòng các loại vắc xin, phiếu xuất kho, vận chuyển nội bộ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc xin, vật tư chăn nuôi của Công ty cổ phần chăn nuôi CP, Công ty TNHH CJ Vina Agri xuất cho về trang trại để sử dụng cho heo.

- Việc chấp hành về điều kiện, nghĩa vụ của cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống động vật: Tất cả 11/11 cơ sở (100%) đều cung cấp thông tin số lượng heo nuôi với UBND xã, nhưng 11 cơ sở này, chưa thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi cho UBND xã theo đúng biểu mẫu quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi; có 10/11 cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô từ 500 con đến 1.200 con và 01 cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn với công xuất 4.800 con heo thịt. Tất cả 100% (11/11) cơ sở đều sử dụng nước sạch cho heo uống (Nước bề mặt, nước giếng khoan, nước ao được đưa lên bể, hệ thống lọc, khử khuẩn đạt tiêu chuẩn sử dụng cho heo uống); nước tắm heo xả vào hầm Bioga để xử lý sau đó xả ra ao sử dụng để tưới cây, trồng cỏ; chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, xử lý nước thải chăn nuôi theo đúng Kế hoạch bảo vệ môi trường đơn giản hoặc Đề án đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tất cả 11/11 (100%) cơ sở chăn nuôi có thiết kế trại lạnh có trang bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, dụng cụ bảo hộ, hố sát trùng, công nhân, … phù hợp với quy mô chăn nuôi heo thịt theo quy định. Khoảng cách an toàn từ trại đến đường giao thông liên thôn, liên xã: 11/11 cơ sở (100%) đạt yêu cầu.

+ Thuốc thú y, vắc xin, hóa chất sử dụng cho heo tại cơ sở chăn nuôi do Công ty cổ phần chăn nuôi CP, Công ty TNHH CJ Vina Agri cung cấp cho cơ sở, tại thời điểm thanh tra các cơ sở sử dụng một số thuốc thú y, vắc xin, hóa chất như : AMOX 200LA, E.COTRIL l, PARA C, DEXA, ECO FLOJEC LA, HAMOGEN, AMOXOIL-G, AFTOGEN, ECO TRIL 10%, APA CLEAN,  MYCO, CIRCO, DỊCH TẢ LỢN, PRRS. Qua tra cứu, các loại thuốc nêu trên đều nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. - Việc sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi heo: Tất cả 11/11 cơ sở chăn nuôi (100%) đều có bác sĩ thú y trực tại cơ sở chăn nuôi, chịu trách nhiệm thực hiện kiểm tra, theo dõi việc phòng, chống dịch bệnh trên heo, thực hiện tiêm phòng các loại văc xin của heo theo quy định; theo dõi việc sử dụng thức ăn chăn nuôi tại cơ sở; thay đổi mã số, loại thức ăn phù hợp với độ tuổi của heo; 11/11 cơ sở (100%) đều bố trí kho thức ăn, kho thuốc thú y, hóa chất, thuốc sát trùng bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ, gọn gàng dễ vệ sinh, thức ăn được sắp xếp gọn gàng trên các Bales; các bao đựng thức ăn sau khi đã sử dụng hết thức ăn được cơ sở chăn nuôi xếp gọn, buộc chặt, để trả lại công ty theo quy định; cơ sở chăn nuôi sử dụng các biện pháp phòng chống động vật gây hại đúng theo quy định như đặt bẫy phù hợp để bẫy chuột, …

          + Thức ăn chăn nuôi: Tất cả 11/11 cơ sở (100%) sử dụng thức ăn nội tiêu chỉ lưu hành nội bộ của Công ty cổ phần chăn nuôi CP và Công ty TNHH CJ Vina Agri.

- Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, nước tiểu động vật để test nhanh các chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist: Đoàn thanh tra tiến hành lấy 51 mẫu (48 mẫu nước tiểu heo, 03 mẫu thức ăn) để test nhanh với chất cấm nhóm Beta Agonist (Salbutamol, Celenbuterol, Racstopamin). Kết quả test nhanh: 51/51 test (100%) âm tính: không có dự lượng chất cấm trong heo đang nuôi tại cơ sở và thức ăn sử dụng cho heo không có chất cấm nhóm Beta Agonist

Qua kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy: Đa phần các cơ sở chăn nuôi đều chấp hành tốt việc lưu trữ hồ sơ giấy tờ liên quan đến hoạt động chăn nuôi tại cơ sở; tất cả 11/11 cơ sở đang hoạt động chăn nuôi duy trì và chấp hành tốt các điều kiện, nghĩa vụ của cơ sở chăn nuôi, thực hiện việc xử lý chất thải hữu cơ, nước thải theo đúng Kế hoạch bảo vệ môi trường do UBND huyện cấp, Đề án đánh giá tác động môi trường do UBND tỉnh phê duyệt. Thuốc thú y, văc xin, hóa chất sử dụng tại cơ sở đều nằm trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, có Bác sĩ thú y thực hiện việc kê đơn điều trị bệnh, phòng bệnh trên heo, thức ăn chăn nuôi chỉ được phép lưu hành nội bộ. Qua kết quả test nhanh 51/51 mẫu âm tính với chất cấm: Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine cho thấy các cơ sở chăn nuôi không sử dụng chất cấm với mục đích tạo nạc, tăng trọng trong chăn nuôi, chứng tỏ nhận thức của các chủ cơ sở chăn nuôi ngày được nâng cao, hiểu rõ về những tác hại và mức độ nguy hại cho sức khỏe con người khi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và nghiêm túc nói không với chất cấm, đảm bảo an toàn thực phẩm trong công đoạn chăn nuôi.

Qua thanh kiểm tra, đã phát hiện một số hạn chế, sai phạm như:

+ Hầu hết các cơ sở chỉ cung cấp thông tin hoạt động chăn nuôi cho UBND xã, khi xã có yêu cầu hoặc liên hệ đề nghị cung cấp, mà chưa chủ động thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo đúng biểu mẫu quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi. Đoàn thanh tra đã tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo đúng biểu mẫu quy định.

+ Có 01 cơ sở Trang trại chăn nuôi heo thịt có địa chỉ tại Lâm Phú, Lâm Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận đã vi phạm: Thực hiện hoạt động chăn nuôi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; vi phạm quy định tại Khoản 5, Điều 26 của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Đoàn thanh tra đã tham mưu xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân vi phạm với số tiền phạt là 15.000.000 đồng.

Từ thực tế quá trình thanh tra, để nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về chăn nuôi và thú y, của các cơ sở chăn nuôi; cơ sở sản xuất giống động vật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh động vật, sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm về số lượng, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường chăn nuôi đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y nói chung và chăn nuôi heo nói riêng nhằm góp phần ổn định, phát triển chăn nuôi, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân và an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, Đoàn Thanh tra kiến nghị thực hiện một số nội dung như sau:

Đối với các Phòng, Trạm Chăn nuôi và Thú y các Huyện, Thành phố trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

+ Tiếp tục tổ chức, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và quy mô nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện đầy đủ các điều kiện chăn nuôi theo quy định tại Khoản 1, Điều 55 của Luật Chăn nuôi 2018. Thực hiện kiểm tra, thẩm định, xếp loại, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cơ sở chăn nuôi hoạt động đúng theo quy định.

+ Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn, lập hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi được quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ về việc Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.   

+ Thường xuyên, tăng cường theo dõi, giám sát việc nhập, xuất động vật ra, vào địa bàn cấp tỉnh của các cơ sở chăn nuôi. Theo dõi, giám sát nắm bắt tình hình dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn quản lý. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý, phòng chống dịch bệnh nhằm tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đăng ký cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên heo như: Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Bệnh Lở mồm long móng, bệnh Dịch tả lợn cổ điển,…theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/06/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Báo cáo Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y về tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn phụ trách. Phối hợp với UBND các xã hướng dẫn thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn quản lý. Tổng hợp kết quả kê khai hoạt động chăn nuôi của các huyện, thành phố theo sự chỉ đạo của Giám đốc Sở NN và PTNT tại Công văn số 705/SNNPTNT-CNTY ngày 04/3/2022 về việc kê khai hoạt động chăn nuôi động vật trên cạn.

+ Tăng cường công tác thanh tra định kỳ, đột xuất nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời, phát hiện các trường hợp vi phạm và xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định Pháp luật.

Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi động vật trên cạn và báo cáo kê khai hoạt động chăn nuôi theo văn bản số 705/SNNPTNT-CNTY ngày 04/3/2022 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với các trang trại chăn nuôi

+ Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Pháp luật về chăn nuôi, thú y, công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt quá trình chăn nuôi.

+ Các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi; lập và lưu trữ hồ sơ theo dõi quá trình chăn nuôi, sử dụng thuốc thú y, văc xin; thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; xử lý chất thải trong chăn nuôi theo quy định và bảo đảm phải đối xử nhân đạo với vật nuôi.

+ Các cơ sở chăn nuôi trước khi nhập giống hoặc xuất bán động vật vào, ra khỏi địa bàn tỉnh phải khai báo cơ quan Thú y (Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện) để kiểm tra, giám sát, kiểm dịch theo quy định.

Tin liên quan

Tổ chức triển khai Hội thảo kiểm toán có sự tham gia về Hỗ trợ vật tư Nông nghiệp(20/10/2023 4:18 CH)

Tập huấn kỹ thuật trồng chanh không hạt trên địa bàn huyện Ninh Sơn(26/05/2023 2:28 CH)

Cây đậu phộng (cây lạc) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn(24/04/2023 3:49 CH)

Tổng kết mô hình Nuôi thương phẩm ốc hương 3 giai đoạn trong ao tại huyện Ninh Hải(03/12/2022 5:13 CH)

Hội thảo mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ thích ứng biến...(18/11/2022 10:42 SA)

Tin mới nhất

Tập huấn kỹ thuật xử lý tuần hoàn chất thải trong chăn nuôi heo(03/12/2024 3:27 CH)

Triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 3/2024 trên địa bàn tỉnh(30/10/2024 4:34 CH)

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu phi trên địa tỉnh(24/10/2024 2:35 CH)

Tập huấn ứng dụng công nghệ xử lý nguồn phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi làm phân bón hữu...(23/10/2024 10:31 SA)

Giám sát sự lưu hành vi rút gây bệnh Viêm da nổi cục trên địa bàn Ninh Thuận năm 2024(03/10/2024 8:08 SA)