36 người đang online
°

Hướng dẫn Một số biện pháp phát hiện, chăm sóc và xử lý bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò (VDNC)

Đăng ngày 14 - 07 - 2021
Lượt xem: 3.020
100%

 

1. Đặc điểm bệnh Viêm da nổi cục:

- Bệnh Viêm da nổi cục (LSD), còn được gọi là bệnh Da sần, là bệnh
truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây bệnh trên trâu, bò. Virus VDNC không lây nhiễm, không gây bệnh trên người. Đường truyền lây: Chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve, mòng, …; qua tiếp xúc trực tiếp với trâu bò mắc bệnh; qua sử dụng chung máng ăn, máng uống, dụng cụ mang mầm bệnh; lây truyền qua nhau thai, bê con sinh ra bị tổn thương trên da; bê con đang theo mẹ có thể bị nhiễm bệnh qua sữa hoặc dotổn thương da ở núm vú; lây truyền qua kim tiêm bị ô nhiễm trong quá trình điều
trị hoặc trong quá trình tiêm phòng; lây truyền qua đường giao phối tự nhiên hoặc
qua thụ tinh nhân tạo. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 4 -14 ngày.

- Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm,
khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất.

2. Triệu chứng, bệnh tích:

- Trâu bò mắc bệnh có những dấu hiệu như: Sốt cao, có thể trên 41°C, bỏăn, suy nhược và gầy yếu. Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú. Viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng các hạch bạch huyết bềmặt (hạch trước vai, hạch sau đùi); một số trường hợp sưng các khớp chân;

- Hình thành các nốt sần có đường kính từ 1 - 5 cm, đặc biệt là ở da vùng đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn;

- Các mụn nước, vết hoạt tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của
miệng, đường tiêu hóa, khí quản, phổi.

- Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời; bò mang thai có thể sảy thai.

3. Một số biện pháp phòng bệnh Viêm da nổi cục trâu bò:

3.1. Chăm sóc nuôi dưỡng: Không mua trâu, bò mắc bệnh bề mặt da có nổi cục và từ vùng dịch viêm da nổi cục về nuôi. Tổ chức chăn nuôi trâu bò an toàn, không thả rông trâu bò theo đàn ăn chung. Tăng cường thêm thức ăn tinh, thức ăn xanh, muối, khoáng, vitamin ... trong khẩu phần ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng cho đàn trâu bò; định kỳ tẩy giun sán, phòng trị ký sinh trùng đường máu, tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm; đồng thời thực hiện tốt vệ sinh cơ giới hàng ngày, định kỳ tiêu độc, khử trùng môi trường, dụng cụ chăn nuôi, tiêu diệt các loại mầm bệnh và vật chủ trung gian truyền bệnh: sử dụng các loại hóa chất như Iodine,Benkocid,… các loại hóa chất diệt ruồi, muỗi, ve, mòng,… như Hantox 200, Formaldes, Deltamethrin,… đối với các hộ có trâu, bò bị bệnh, nghi bị bệnh phuntiêu độc hàng ngày, liên tục trong vòng 03 tuần.

3.1. Phòng bệnh bằng vắc xin: Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò là loại bệnh do vi rút gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ động, hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Tiêm cho trâu, bò khỏe mạnh từ 01 tháng tuổi trở lên; loại vắc xin sử dụng: Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc vắc xin MEVAC LSD của Ai Cập (Theo Công văn số 1076/BNN-TY ngày 24/02/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT V/v tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng bệnh VDNC ở trâu bò; Công văn số 2271/BNN-TY ngày 19/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT V/v tập trung nguồn lực kiểm soát dịchbệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò). Hiện nay đang có bán tại một số Cửa hàng thuốc Thú y trên địa bàn tỉnh.

4. Kỹ thuật bảo quản và sử dụng vắc xin VDNC:

a) Bảo quản vắc xin: Đối với vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ và vắc xin MEVAC LSD của Ai Cập được bảo quản ở nhiệt độ từ 20C đến 80C, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp, không bảo quản ở chế độ đông lạnh. Trong quá trình vận chuyển và sử dụng vắc xin phải được bảo quản trong thùng xốp cùng với đá lạnh hoặc đá khô.

b) Sử dụng vắc xin:

* Đối với Vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ: là vắc xin nhược độc dạng đông khô chủng Neethling đã làm giảm độc lực ≥ 103.5TCID50.

-  Dung dịch pha (gồm vắc xin + lọ nước muối sinh lý 50 ml đã được làm mát); sử dụng lọ vắc xin đã pha trong vòng 2 giờ. Mỗi lần lấy vắc xin đã pha vào xi lanh phải lắc đều lại một lần nữa.

- Cách pha vắc xin: Lọ vắc xin 25 liều pha với lọ nước muối sinh lý 50 ml tiêm cho 25 con trâu, bò.

-Tiêm phòng cho trâu, bò, bê, nghé khỏe mạnh từ 01 tháng tuổi trở lên;

- Vị trí tiêm: Tiêm dưới da cổ;

- Liều dùng: 2ml/con trâu, bò.

- Thời gian miễn dịch của vắc xin Lumpyvac là 12 tháng. Tiêm phòng định kỳ vắc xin phòng bệnh VDNC 01 lần/năm.

* Đối với vắc xin MEVAC LSD của Ai Cập: Là vaccine nhược độc đông khô, chủng  Neethling phòng bệnh LSD (viêm da nổi cục) trên trâu bò và dê. Các thành phần hoạt động mỗi liều:  ≥ 10,3,5 TCID50.

- Vắc xin phải được hoàn nguyên bằng dung dịch pha loãng vô trùng được cung cấp kèm theo, lắc kỹ cho tan hoàn toàn trước khi tiêm.

- 10ml/lọ (10 liều) trong lọ thủy tinh + nước pha.

- Liều lượng: 1ml/con.

- Tiêm dưới da vùng cổ (SC).

- Miễn dịch vắc xin: Khả năng miễn dịch bắt đầu phát triển khoảng 10 ngày sau khi tiêm phòng và con vật cần được bảo vệ hoàn toàn sau 3 tuần.

- Thời gian bảo hộ: 12 tháng, tiêm nhắc lại hàng năm.

- Tiêm cho tất cả gia súc đang trong thời gian khỏe mạnh.

- Cho con từ bò mẹ đã tiêm phòng: Thực hiện tiêm phòng từ 6 tháng tuổi.

- Cho bê con từ bò mẹ chưa tiêm vắc xin: Thực hiện tiêm phòng từ mọi lứa tuổi.

- Không tiêm cho bò mang thai trên 8 tháng tuổi (tuổi thai), áp lực bệnh cao có thể tiêm luôn cho cả bò mới phối, thai nhỏ.

- Có thể tiêm thuốc an thai cho bò mang thai khi tiêm vaccine Mevac LSD.

- Hạn sử dụng: 18 tháng sau ngày sản xuất.

* Lưu ý:

- Sát trùng vị trí tiêm bằng cồn sát trùng, dùng hai ngón tay beo phần da cổ con vật lên để đâm kim vào theo chiều từ trên xuống dưới chếch 01 góc 45- 60 độ so với mặt phẳng cổ (Chú ý mũi kim tiêm phải xuyên qua lớp da và không đâm vào phần cơ, thịt) rồi nhẹ nhàng bơm vắc xin vào.

- Cố định trâu, bò chắc chắn (dùng gióng, giá, chuồng ép);

- Không được tiêm đồng thời hoặc kết hợp với vắc xin khác; khoảng cách giữa các lần tiêm vắc xin tối thiểu là 7 ngày.

- Chỉ tiêm vắc xin cho trâu, bò hoàn toàn khỏe mạnh, đúng tuổi; không tiêm cho đàn trâu, bò đang mắc bệnh (chưa khỏi triệu chứng lâm sàng), trâu, bò ốm yếu hoặc đang có những vết thương chưa lành.

- Đối với trâu, bò đang mang thai (có chửa) cần thao tác nhẹ nhàng; không tiêm cho trâu, bò mang thai ở thời kỳ đầu và thời kỳ cuối của quá trình mang thai.

- Sau khi tiêm phòng cần theo dõi tình hình sức khỏe, cho trâu, bò nghỉ ngơi không cho trâu, bò làm việc nặng như cày, kéo,… Khi trâu, bò có biểu hiện phản ứng bất thường cần báo ngay cho cán bộ thú y hoặc người trực tiếp tiêm phòng để can thiệp, xử lý.

- Tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vắc xin mới đáp ứng miễn dịch phòng, chống bệnh có hiệu quả. Tại nhiều địa phương trâu bò có thể đã nhiễm mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh lâm sàng, sau khi được tiêm vắc xin, gia súc có thể phát bệnh, chết cần được giải thích, hướng dẫn xử lý theo quy định.

5. Cách xử lý các trường hợp trâu, bò bị phản ứng sau tiêm phòng vắc xin

a) Trường hợp trâu, bò có thể phát bệnh sau tiêm phòng vắc xin

- Trâu, bò có thể phát bệnh sau tiêm phòng vắc xin là do những trâu, bò mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh.

- Bệnh thường xuất hiện sau khi tiêm từ 24 giờ đến 48 giờ sau tiêm phòng vắc xin, với các biểu hiện mệt mỏi, ăn ít hoặc bỏ ăn kèm theo sốt cao, thở khó, chảy nước mũi…

- Cách xử lý khi trâu, bò phát bệnh: Cách ly ra khỏi đàn, để tiện cho việc chăm sóc, chữa trị theo triệu chứng của bệnh; kết hợp với chăm sóc nuôi dưỡng và công tác vệ sinh phòng bệnh triệt để nâng cao sức đề kháng.

b) Phản ứng sinh lý bình thường:

- Triệu chứng: Sau khi tiêm phòng trâu, bò có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, cơ thể sưng nhẹ ở vị trí tiêm nhưng trâu, bò vẫn ăn uống và không có dấu hiệu khó thở. Đây là phản ứng có lợi, là một phần quan trọng của phản ứng đáp ứng miễn dịch đặc hiệu ở động vật.

 - Biện pháp xử lý: Cho trâu, bò ăn uống đầy đủ, nằm nghỉ ngơi râm mát, yên tĩnh, trâu bò sẽ tự khỏi sau một vài ngày.

c) Phản ứng nhẹ mang tính chất cục bộ:

- Triệu chứng: Tại vị trí tiêm bị viêm, biểu hiện triệu trứng như sưng, nóng đỏ, đau, con vật bị sốt, có thể hình thành ổ áp xe, để lâu có thể hình thành khối u, sơ cứng.

- Biện pháp xử lý: Cho trâu, bò nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, ăn uống đầy đủ, dùng kháng sinh để chống viêm, dùng thuốc hạ sốt, trợ sức, xoa bóp bằng cồn salisilat methyl hoặc chườm nóng tại vị trí sưng.

d) Phản ứng toàn thân:

- Triệu chứng: Thường xảy ra ngay sau khi tiêm vắcxin trâu, bò có biểu hiện choáng, ngất, chân run rẩy, đi lại không vững hoặc khuỵu ngã, sùi bọt mép, chảy nước dãi, trụy tim, khó thở, sốt cao, ói mửa... nếu nặng không cấp cứu kịp thời con vật sẽ chết.

- Biện pháp xử lý: Cho trâu, bò nằm nghỉ ngơi râm mát, yên tĩnh, đầu thấp, nghiêng sang một bên, khi có biểu hiện khó thở cần hỗ trợ hô hấp bằng cách tác động cơ học vào vùng bụng, ngực của trâu, bò theo kỹ thuật hô hấp nhân tạo. Dùng thuốc điều trị trong 3 ngày liên tục, sử dụng các loại thuốc như trợ tim, chống dị ứng, trợ sức, thuốc an thần, thuốc hạ sốt, thuốc trợ hô hấp và thuốc kháng sinh để tránh viêm nhiễm và đề phòng các bệnh kế phát.

6. Điều trị một sốt triệu chứng kế phát đối với trâu bò bị bệnh VDNC

Nguyên tắc chung: Để tăng hiệu quả điều trị khi trâu, bò mắc bệnh VDNC
cần phát hiện sớm, xử lý kịp thời; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức
khỏe cho trâu bò; sử dụng kết hợp các loại thuốc tăng sức đề kháng, điều trị triệu
chứng và các nguyên nhân nhiễm trùng kế phát.

- Khi phát hiện trâu bò mắc bệnh: Sử dụng các loại thuốc trợ sức, trợ lực để
tăng cường sức đề kháng cho trâu bò như Glucose, Lactate (tốt nhất truyền được
qua đường tĩnh mạch), Vitamin A,D,E; B-Complex; Vitamin C, ... để tiêm, hòa
vào nước cho uống hàng ngày.

- Khi con vật có biểu hiện sốt cao (phát hiện qua cặp nhiệt độ, gương mũi
khô, phân táo,...) sử dụng các loại thuốc hạ sốt như Anagin, Annagin-C Paracetamol...

- Tiêu đờm, hỗ trợ gia súc dễ thở hơn, tăng cường hoạt động của cơ tim bằng
các thuốc như Bromhexin hydroclorid, Cafein,...

- Khi có hiện tượng viêm, sưng: Sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm có thành phần hoạt chất chính như Ketoject, Dexamethasole Natri Phosphat 0,1%, Flunixin,...

- Sử dụng các loại thuốc kháng sinh chống bội nhiễm kế phát, nhiễm trùng:
(ưu tiên sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng, thời gian tác dụng kéo dài) như
Amoxyline LA, Kanamycine, Maccavet, Zuprevo 18%, Oxytetraxycline,  Tobramycine...

- Trường hợp phát hiện trâu bò có triệu chứng, biểu hiện mắc ký sinh trùng
đường máu, sử dụng các loại thuốc như Ivermectin, Azidin, tryphazen… (lưu ý
không tiêm cho gia súc đang mang thai; trước khi dùng thuốc 10-15 phút nên
tiêm cafein hoặc long não để trợ tim, trợ sức).

- Đối với các vết loét: Rửa sạch các vết loét ở da, miệng, bầu vú, chân, bụng,
… bằng các dung dịch như nước muối sinh lý, thuốc tím, cồn Iodine... sau đó có

thể sử dụng các loại kháng sinh mỡ như Rivanol, Oxytetraxicline, Penicilin bôi
vào vết loét.

- Các cứ vào các triệu chứng quan sát được như ho, khó thở, tiêu chảy,
chướng hơi, ký sinh trùng đường máu để sử dụng các loại thuốc an thần, cầm tiêu chảy, điều trị ký sinh trùng đường máu,... theo thực tế có hiệu quả.

7. Chăm sóc hộ lý cho trâu, bò:

- Cách ly tuyệt đối gia súc ốm tại chuồng, giữ chuồng, nền chuồng khô ráo,
thoáng mát, lót rơm rạ khô sạch cho gia súc nằm;

- Tăng cường hộ lý, chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung đầy đủ thuốc trợ sức, nước mát giải nhiệt (nước hạt đậu xanh, rau má,…) và thức ăn nhất là
các loại thức ăn xanh non, mềm, dễ tiêu; đồng thời sử dụng các loại men tiêu hóa cho trâu bò; không nên sử dụng quá nhiều tinh bột ảnh hưởng đến nhu động của dạ cỏ của trâu bò;

- Đối với bê, nghé non thường rất yếu, tổn thương nhiều ở hệ hô hấp do vậy
trong chăm sóc cần chú ý: Đảm bảo đủ ấm cho bê nghé nếu thời tiết lạnh (có thsưởi ấm hoặc mặc áo); giữ chuồng luôn khô sạch; cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
(nếu bê nghé không tự ăn được phải bơm thức ăn như sữa, cháo gạo loãng qua
đường miệng
); có thể phải lật con vật thường xuyên và đặt ở tư thế dễ thở.

- Đối với trâu bò khi mắc bệnh có thể không đứng vững hoặc nằm bệt nên sử
dụng các dụng cụ cố định để gia súc đứng lên (võng, chuồng ép đóng móng) tránh liệt dạ cỏ; có thể phải lật con vật thường xuyên và đặt ở tư thế dễ thở (sử dụng Pilocarpin hỗ trợ nhu động dạ cỏ).

Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và lực lượng hành nghề thú y tại cơ sở tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi phòng, trị bệnh kịp thời, hiệu quả./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Kỹ thuật chăn nuôi heo đen (16/11/2022 9:30 SA)

Phòng bệnh trong chăn nuôi dê(04/10/2022 9:27 SA)

Một số bệnh thường gặp trên lươn nuôi thương phẩm (21/02/2022 3:28 CH)

Quy trình kỷ thuật thụ tinh nhân tạo cho dê, cừu bằng tinh cọng rạ(27/10/2021 7:11 CH)

Qui trình ủ rơm với urea làm thức ăn cho gia súc(08/09/2021 7:08 CH)