Tính đến ngày 19/3/2020, tổng dung tích nước 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn khoảng 46,65 triệu m3 /194,49 triệu m3, chiếm 24% dung tích thiết kế; lượng nước hồ Đơn Dương 95,18 triệu m3 /194,49 triệu m3, đạt 57,68% dung tích thiết kế, lưu lượng nước vào hồ là 3,96 m3/s và đang xả nước với lưu lượng là 13,95 m3/s. Một số hồ chứa nước có dung tích nhỏ bắt đầu cạn kiệt như: Phước Trung, Phước Nhơn, Tà Ranh, Bầu Zôn, CK7; riêng hồ Ông Kinh hết nước. Tại một số nơi đã và đang xảy ra hạn hán cục bộ, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của cây trồng và gia súc. Đến nay tại một số địa phương xảy ra hạn cục bộ, hiện tượng gia súc thiếu thức ăn và nước uống sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong mùa khô hạn là rất cao. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 52/KH-UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn 262/SNNPTNT-QLXDCT ngày 13/02/2020 về việc triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo nội dung chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kế hoạch 352/KH-SNNPTNT ngày 21/02/2020 Bảo vệ đàn gia súc trong thời gian hạn hán kéo dài năm 2020;
Nhằm giảm thiệt hại gia súc, ổn định phát triển chăn nuôi trong giai đoạn hạn hán. Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo các hộ chăn nuôi gia súc thực hiện một số giải pháp sau: (1) Dự trữ thức ăn, nước uống cho gia súc: Chủ động nguồn nước uống như đào ao, hồ và khoan giếng để chứa nước; Tận dụng, thu gom phế phụ phẩm sau thu hoạch vụ Đông Xuân năm 2019-2020 (rơm, rạ, thân cây bắp, cây họ đậu, rau lang, lá nho, lá táo…) để dự trữ, bảo quản chế biến làm thức ăn cho gia súc, bổ sung các loại thức ăn tinh (như cám gạo, bắp và thức ăn hỗn hợp,...) cho gia súc; Chủ động tận dụng đất có độ ẩm trồng cỏ, chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ để cung cấp nguồn thức ăn xanh cho gia súc, hạn chế thấp nhất gia súc chết do suy dinh dưỡng vì thiếu thức ăn và nước uống;
(2) Duy trì, ổn định đàn gia súc: Duy trì, cân đối ổn định đàn gia súc với khả năng cung cấp nguồn thức ăn cho chúng; hạn chế việc tái đàn, bán bớt những con gia súc đến tuổi bán thịt, gia súc già loại thải; các đàn có số lượng gia súc đông (nhất là dê, cừu), cần tách ra thành những đàn nhỏ, theo từng lứa tuổi (đặc biệt là gia súc đang nuôi con và theo mẹ cần có chế độ chăn sóc riêng) để tiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng và di chuyển;
(3) Di chuyển đàn gia súc từ vùng khô hạn, thiếu thức ăn, nước uống đến những nơi còn nguồn nước uống, thức ăn khi thật sự cần thiết dọc kênh Nam, kênh Bắc; kênh Đông, kênh Tây, dọc sông Cái, sông suối trên địa bàn, vùng hồ sông Trâu, sông Sắt,… để chăn thả.
(4) Chủ động tiêm phòng vắc xin cho gia súc theo quy định, nhất là vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng; những vùng có nguy cơ cao, vùng thường xảy ra dịch bệnh gia súc tại các địa phương.
(5) Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại định kỳ, ít nhất 01 lần/tuần và theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Kế hoạch của UBND các huyện, thành phố.
(6) Những vùng thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, Hè Thu chưa tái vụ nên để gốc rạ cho gia súc ăn cứu đói, không nên đốt hoặc phun thuốc cỏ làm cháy gốc rạ.
(7) Không chăn thả gia súc quá xa chuồng trại (nơi nhốt gia súc), vào giờ nắng gắt để hạn chế gia súc bị mất nước, thở dốc, kiệt sức dễ mắc bệnh say nắng, cảm nóng.
(8) Không chăn thả gia súc gần các khu công nghiệp, nhà máy, khu vực xả thải công nghiệp, khu vực nước tù đọng lâu ngày, dơ bẩn.
(9) Trong mùa khô hạn, gia súc thường mắc các bệnh say nắng, cảm nóng; dễ rối loạn hệ thống tiêu hóa, gây tiêu chảy hoặc lên men, sinh hơi nhiều gây bội thực, chướng hơi, tăng axit dạ cỏ, ngộ độc...có thể dẫn đến chết do sau những cơn mưa, gia súc ăn nhiều cỏ non, uống nước tù đọng. Do đó, các hộ chăn nuôi gia súc cần theo dõi sức khỏe đàn gia súc thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Chúc bà con chăn nuôi bảo vệ đàn gia súc, chăn nuôi mùa hạn thành công !