Tuyên truyền công tác khoán bảo vệ rừng thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (giai đoạn I: từ 2021 – 2025)
Miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm ba phần tư lãnh thổ của cả nước, đây được xem là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước. Nơi đây có dân cư thưa thớt, nằm sâu trong rừng núi, ở xa các trung tâm kinh tế, văn hóa, giao thông không thuận tiện, đi lại khó khăn, kinh tế thường lạc hậu, kém phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ 2021 – 2025 là một trong những chương trình lớn được triển khai nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Page Content
Để góp phần triển khai có hiệu quả công trình khoán bảo vệ rừng năm 2023 trên lâm phần của Ban quản lý rừng PHĐN liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu (Ban quản lý rừng) thuộc Tiểu dự án 1, dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ 2021 – 2025, Ban quản lý rừng thường xuyên lập kế hoạch tổ chức các buổi tuyên truyền vận động người dân với nhiều hình thức phong phú, sát với thực tiễn nhằm đẩy mạnh và nâng cao ý thức của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng và cộng đồng dân cư sinh sống trên lâm phần. Ban quản lý rừng đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã trên lâm phần tổ chức họp tuyên truyền và lồng ghép triển khai nội dung công tác bảo vệ rừng đối với các nhóm hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Qua đó, tuyên truyền cho các hộ gia đình đăng ký tham gia bảo vệ rừng được biết về nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia nhận khoán như được nhận tiền công khoán bảo vệ rừng, được trợ cấp gạo trong những tháng khó khăn chưa tự túc được lương thực.
Tại buổi họp, Lãnh đạo Ban quản lý rừng đã nhấn mạnh đến các hộ gia đình nhận khoán phải tổ chức triển khai bảo vệ tốt diện tích rừng được giao; tích cực tham gia trong công tác chống phá rừng, tuyên truyền, vận động người thân, gia đình trong công tác chống phá rừng, ngăn chặn tình trạng đốt rừng làm nương rẫy, chặt phá cây rừng... Đồng thời thông qua đó, Ban quản lý rừng cũng tiến hành triển khai phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hướng đến mục tiêu chăm lo đời sống cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số; vận động người dân tham gia thực hiện tốt.
Để phát huy những kết quả đạt được, Ban quản lý rừng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên lâm phần Ban quản lý tích cực tham gia bảo vệ rừng; tăng cường kiểm tra các chốt trực; phối hợp chặt chẽ với các hộ gia đình nhận khoán và chính quyền địa phương thường xuyên thực hiện tuần tra, truy quét để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác chống phá rừng./.
Nguồn: Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu