Rong nho là một loại rau cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Các kết quả phân tích của các nhà khoa học cho thấy, rong nho rất giàu các nguyên tố vi lượng như iốt, kẽm, kali, canxi... đặc biệt là chứa nhiều các vitamin quan trọng như vitamin A, vitamin C. Đây là món rau sạch có trong bữa ăn hàng ngày của gia đình tại một số nước châu Á như Nhật Bản, Philipphin…
Trong số các loài thực vật thủy sinh nước mặn, rong nho biển là loại thực vật thuỷ sinh dinh dưỡng tự dưỡng. rất dễ nuôi trồng, không tốn nhiều nhân công, tốn ít chi phí đầu tư.
Sau đây xin giới thiệu với bà con nông dân kỹ thuật trong rong nho:
1. Lựa chọn vị trí trồng rong nho
- Nơi có các vùng nước biển sạch, không ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và tránh xa nguồn nước ngọt từ các sông suối đổ vào, thuận tiện trong việc cấp thoát nước, vùng ít bị ảnh hưởng bởi sóng, gió và ít bị ảnh hưởng, tác động từ các phương tiện giao thông đường thủy, chọn vùng nuôi nơi có đáy cát hoặc cát pha bùn…
- Tận dụng các ao, đìa nuôi tại các vùng ven biển, vịnh nơi có điều kiện thuận lợi, có chất đáy là cát pha bùn, nước ao nuôi có độ mặn: 30-35‰, pH: 7,5-8,5, nhiệt độ: 28-300C.
2. Cải tạo ao trước khi thả giống
- Cải tạo ao nuôi, ao lắng, gia cố bờ ao.
- Lựa chọn thời điểm nước lớn để lấy nước vào ao lắng.
- Xử lý nước ( Diệt được sinh vật bám và trứng của chúng).
- Sau 7-10 ngày xử lý tiến hành cấp nước từ ao lắng sang ao nuôi, mức nước trong ao 1,3-1,5m.
- Sử dụng lưới lan (lưới phong lan) để che cho ao nuôi rong nho, lưới lan có tác dụng điều tiết ánh sáng và nhiệt độ nước của ao nuôi nhằm duy trì mức ánh sáng và nhiệt độ phù hợp cho rong sinh trưởng.
- Sử dụng cọc tre và hệ thống chịu lực, khung xương đỡ lưới lan.
- Diện tích che lưới, loại lưới (dày, mỏng) tùy thuộc vào điều kiện sinh thái cụ thể của khu vực nuôi. Hệ thống che sáng được thiết kế di động sao cho dễ dàng điều tiết ánh sáng của ao nuôi.
- Lắp hệ thống quạt nước để cung cấp dưỡng khí cho rong nho, tạo dòng chảy cho nước trong ao nuôi.
3. Lựa chọn giống
- Lựa chọn rong giống khỏe, màu xanh, rong không bị dập, không có sinh vật bám.
- Cọng rong mập mạp, các quả (trái nho) xếp đều đặn dọc hai bên thân và không có dị tật.
- Mật độ nuôi trồng thích hợp ở vào khoảng 200kg giống/sào đối với trồng đáy, tương ứng với khoảng 0,2kg giống/vỉ, mỗi sào bố trí rải đều khoảng từ 1.000 – 1.200 vỉ.
*Phương pháp trồng rong nho biển: có 3 phương pháp - --- - Phương pháp trồng đáy:
Dùng các nẹp bằng tre hoặc gỗ gim cố định các nhánh rong xuống đáy ao, khoảng cách trồng 40 x 40cm, mật độ nuôi trồng khoảng 200kg giống/sào. Phương pháp này khá đơn giản, có chi phí đầu tư thấp, tuy nhiên khi thu hoạch và triển khai vụ mới tốn khá nhiều nhân công hơn so với các phương pháp khác.
- Phương pháp trồng kê sàn:
Phương pháp này dùng gỗ tạp hoặc tre đóng hoặc xếp thành hàng cách mặt đáy ao khoảng 5cm, dùng các khay, rổ có kích thước 50cm x 30cm, bỏ cát, bùn vào rồi cấy rong nho giống, tiến hành giữ cố định rong trong khay rổ. Phương pháp này khá tốn công, rong chậm phát triển do ít hấp thụ được nguồn dinh dưỡng từ đáy ao.
- Phương pháp trồng trong vỉ lưới:
Phương pháp này sử dụng các khung gỗ, tre hoặc ống nhựa làm thành hình vuông hoặc chữ nhật, kích thước khoảng 0,3 x 0,6m, bao 2 lớp lưới, lớp dưới bố trí loại dày, mắt lưới nhỏ là giá đỡ giống rong, lớp trên phủ lên trên có mắt lưới thưa, may bốn mép để cố định rong giống trong vỉ, sau đó thả theo thứ tự thành hàng trong ao, có bố trí đường đi để kiểm tra, chăm sóc các vỉ rong. Phương pháp này giúp cho rong nho hấp thu tối đa chất dinh dưỡng, đồng thời cũng dễ dàng hơn trong quản lý, chăm sóc, thu hoạch và quan trọng là mang lại hiệu quả cao hơn so với các phương pháp khác.
Hiện nguồn giống rong nho biển có rất nhiều tại các tỉnh thành như tỉnh Khánh Hoà, tỉnh Ninh Thuận và tại các viện, trường chuyên ngành thủy hải sản. Trong quá trình nuôi thương phẩm, có thể chọn và lưu giữ giống cho các mùa vụ tiếp theo của mình mà không cần phải mua giống nữa.
4. Mùa vụ nuôi trồng rong nho biển.
Rong nho biển có thể trồng quanh năm, riêng các tháng mùa mưa trồng hạn chế do đây là loại rong có khoảng thích ứng nhiệt độ trên 20oC, độ mặn cao trên 28o/oo. Trồng mùa mưa nếu gặp trường hợp mưa nhiều làm rong tàn nhanh hoặc hiệu quả không cao.
5. Quản lý, chăm sóc rong nho biển.
- Hằng ngày lặn kiểm tra ao rong nếu có rong tạp như rong mền, rong câu phát triển trong ao cần vớt bỏ. Nếu phát hiện nhiều cá trong ao cần dùng saponin để loại bỏ cá trong ao, dùng tay rung, gạt nhẹ khay rong nhằm loại bỏ các chất bẩn bám trên khay, thân rong.
- Cần chú ý theo dõi lịch thủy triều để có chế độ thay nước hợp lý nhằm cung cấp một lượng nước mới giúp kích thích rong phát triển, thông thường khoảng 3-5 ngày thay nước mới một lần, lượng nước thay khoảng 50-70%. Chỉ sử dụng nước được xử lý cấp qua ao nuôi.
6. Thu hoạch,sơ chế, bảo quản
Rong là loài nuôi trồng ngắn ngày, tăng trưởng nhanh đặc biệt là trong môi trường nhiều chất dinh dưỡng. Sau 30 – 35 ngày trồng, có thể thu hoạch rong nho.
Thu hoạch rong nho khá tốn công. Khi thu hoạch, chỉ chọn những cọng rong thẳng, dài trên 5cm, có các hàng quả xếp đều đặn xung quanh thân cây rong, sau đó rửa sạch rong bằng nước biển, xếp nhẹ nhàng và đều trong thùng nước có sục khí, vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
7. Vận chuyển
Rong nho sau khi thu hoạch được cho vào máy quay li tâm để ráo nước, sau đó cho vào thùng xốp đậy kín hoặc túi ni lông không có nước ở điều kiện nhiệt độ bình thường để vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Theo kinh nghiệm của các hộ dân đang nuôi trồng rong tại các tỉnh Nam trung bộ, thì việc bảo quản như trên có thể giữ rong tươi trong vòng khoảng từ 10-15 ngày mà không làm giảm giá trị dinh dưỡng của rong nho, vì thế chúng rất được ưa chuộng sử dụng trong các món ăn sống, thuận lợi trong việc bảo vận chuyển và đưa đi phân phối tiêu thụ, nếu ở dạng rong muối thì thời gian bảo quản sẽ lâu hơn, tuy nhiên rong nho biển thường tiêu thụ ở dạng tươi sống.