Theo thống kê của Cục thú y từ đầu năm đến nay trên cả nước có 07/63 tỉnh thành có dịch bệnh cúm gia cầm type A/H5N1 là Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng tàu, Long An. Tiền Giang, Vĩnh Long, tổng số gia cầm chết và tiêu hủy là 13.658 con trên tổng số 10 hộ chăn nuôi gia cầm.
Với đặc tính lây lan của vi rút Cúm gia cầm, sự trao đổi mua bán gia cầm sống tại các chợ, lò giết mổ, tụ điểm tập kết gia cầm kết hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, vị trí địa lí 02 huyện giáp ranh với Khánh Hòa là Thuận Bắc, Bắc Ái của tỉnh Ninh Thuận thì nguy cơ dịch bệnh Cúm gia cầm xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh là rất cao.
Để ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh Cúm gia cầm nói riêng và dịch bệnh động vật nói chung. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch số 4696/KH-UBND ngày 09/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên toàn tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận không có dịch bệnh động vật nguy hiểm xảy ra, đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm, Newcatle, dịch tả vịt, …Tuy nhiên, nhằm mục đích phát hiện sự lưu hành vi rút cúm A/H5N1, A/H5N6 có mặt tại cơ sở kinh doanh gia cầm sống; tại cơ sở giết mổ gia cầm có hay không; đồng thời theo dõi, giám sát sự lưu hành và biến đổi của vi rút về đặc tính di truyền và đặc tính kháng nguyên để có phương án cảnh báo sớm dịch cúm gia cầm và có các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp.
Ngày 23/7/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận xây dựng kế hoạch số 212 về việc lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 năm 2024. Theo đó, từ ngày 05/8/2024 đến 08/8/2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tiến hành thu 30 mẫu gộp (150 mẫu đơn) dịch hầu họng (swab) trên gia cầm (gà, vịt) tại cở sở thu gom, kinh doanh gia cầm Nguyễn Thị Thảo và cơ sở giết mổ tập trung Đức Hòa FOOD cùng đóng trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để gửi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm.
Phiếu Thông báo Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI gửi về Chi cục như sau: Phát hiện có 03 mẫu dịch hầu họng có kết quả dương tính với vi rút Cúm gia cầm type A trên tổng số 30 mẫu xét nghiệm, chiểm tỉ lệ 10%; các mẫu yêu cầu xét nghiệm subtype H5, subtype N1 và subtype N6 đều có kết quả âm tính. Như vậy trên trổng số 30 mẫu xét nghiệm có 03 mẫu dương tính với vi rút Cúm gia cầm type A.
Qua kết quả xét nghiệm như trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành điều tra mở rộng; kết quả điều tra như sau: 03 mẫu dương tính với vi rút Cúm gia cầm type A là vịt của ông Nguyễn Hùng Tuấn, địa chỉ: Xóm Chiếu, Thành Hải, Phan Rang-Tháp Chàm, với tổng đàn 2.000 con vịt thịt 70 ngày tuổi. Đàn vịt của ông Tuấn đã tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm ngày 25/5/2024, đến ngày 05/8/2024 cơ sở thu gom, kinh doanh gia cầm Nguyễn Thị Thảo mua về nuôi nhốt để kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Từ thời điểm nhận Thông báo kết quả xét nghiệm dương tính của Chi cục Thú y Vùng VI 08/8/2024 tại cơ sở thu gom kinh doanh gia cầm Nguyễn Thị Thảo, hộ chăn nuôi Nguyễn Hùng Tuấn và các vùng nuôi tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, các khu vực lân cận; ghi nhận không có gia cầm có triệu chứng, biểu hiện dịch bệnh cúm gia cầm.
Tuy nhiên, với kết quả xét nghiệm 03/30 mẫu tỉ lệ 10% dương tính với vi rút Cúm gia cầm type A cho thấy đã có sự lưu hành của vi rút Cúm gia cầm type A trên đàn gia cầm (vịt) được mua về để tiêu thụ tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh và hiện nay kết hợp với thời điểm thời tiết giao mùa thì nguy cơ phát dịch xảy ra là rất cao.
Để ngăn chặn nguy cơ dịch Cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các huyện, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm quan tâm chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm. Trong đó, tập trung thực hiện một số biện pháp cấp bách sau:
Thứ nhất, Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh cúm gia cẩm tại các địa phương; kiểm dịch động vật xuất, nhập tỉnh tại các địa điểm buôn bán gia cầm sống, cơ sở giết mổ gia cầm, nhất là gia cầm từ tỉnh ngoài nhập vào địa phương để chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ; các vùng chăn nuôi tập trung nhiều gia cầm, nhằm phát hiện sớm các ổ dịch Cúm trên đàn gia cầm để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan.
Thứ hai, Rà soát, tiếp tục tiêm phòng bổ sung vắc xin Cúm gia cầm cho đàn gia cầm sau tiêm phòng đợt 01/2024 và phòng các bệnh khác cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm. Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, sát trùng bổ sung để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Thứ ba, Tuyên truyền vận động các hộ nuôi thực hiện tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm bổ sung cho đàn gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt 1/2024, gia cầm mới phát sinh, tái đàn; tăng cường thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định.
Riêng đối với cơ sở thu gom, kinh doanh gia cầm Nguyễn Thị Thảo và Ủy ban nhân dân xã Thành Hải cần tiến hành thực hiện như sau:
* Cơ sở thu gom, kinh doanh gia cầm của hộ Nguyễn Thị Thảo cần tăng cường vệ sinh, tiêu độc môi trường định kỳ thường xuyên như khơi thông cống rãnh, quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia cầm, nơi buôn bán; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn; đồng thời thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng hàng ngày để hạn chế thấp nhất mầm bệnh tồn tại, đang lưu hành trong môi trường.
* Ủy ban nhân dân xã Thành Hải tiến hành tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tập trung môi trường trại nuôi. Tăng cường, theo dõi giám sát lâm sàng dịch bệnh trên đàn vịt đang nuôi và vận động hộ nuôi thực hiện tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm cho đàn vịt (nếu có), khi phát hiện gia cầm chết nhiều, không rõ nguyên nhân thông báo kịp thời với Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Phan Rang-Tháp Chàm để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan./