13 người đang online
°

Một số bệnh thường gặp trên lươn nuôi thương phẩm

Đăng ngày 21 - 02 - 2022
Lượt xem: 560
100%

 

1/ Nguyên nhân gây bệnh

            - Con giống yếu, có sẵn mầm bệnh, bị xây xát trong quá trình vận chuyển.

- Nhiệt độ thay đổi đột ngột.

- Môi trường nước ô nhiễm do mầm bệnh, ký sinh trùng.

- Thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi.

- Cho lươn ăn thức ăn ôi thiu, không đảm bảo chất lượng.

- Nuôi mật độ dày.

2/ Cách phòng bệnh

            Khi lươn bị nhiễm bệnh hiệu quả trị bệnh không cao và tốn kém, cần phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nên dùng biện pháp phòng bệnh chung sau đây:

- Vệ sinh sạch sẽ ao nuôi, bể nuôi.

- Lươn giống: Không dùng xiếc điện khi đánh bắt, lươn không bị xây sát, màu sáng.

- Thuần dưỡng lươn giống trước khi thả nuôi, loại bỏ những con yếu và bị bệnh.

- Lươn giống trước khi thả phải tắm bằng nước muối 4-5%o trong 10-15 phút (hoặc thuốc tím với nồng độ 1 g/m3 nước trong 15-20 phút).

- Cho ăn đủ lượng, không để dư thừa thức ăn.

- Thức ăn được sử dụng không bị ôi thiu.

            - Thường xuyên thay nước 1-2 ngày/lần trong quá trình nuôi.

3/ Phòng và trị một số bệnh thường gặp

3.1.   Bệnh sốt nóng

3.1.1.  Dấu hiệu bệnh lý

          Đầu lươn sưng phồng to, lươn chết hàng loạt.

          Lươn bị xáo động trong bể, quấn quít vào nhau, dịch nhầy tiết vào trong nước, độ nhớt của nước tăng lên.

 3.1.2. Tác nhân gây bệnh

          Đây là bệnh có tác nhân chính là môi trường. Do lươn nuôi với mật độ dày, dịch nhày tiết nhiều vào môi trường nước, gây lên men, độ nhớt tăng lên, làm nhiệt độ nước tăng lên, hàm lượng oxy giảm.

3.1.3. Phòng và trị bệnh 

          Phòng trị: Giảm mật độ nuôi, thay nước; có thể thả tạm vài con cá trê để chúng  ăn thức ăn thừa; đề phòng lươn cuốn vào nhau bằng cách thả cá chạch đồng vào bể mật độ 10 – 15 con/m2, bảo đảm tốt chất lượng nước. Khi phát hiện bệnh dùng dung dịch sulphate đồng 0,07 %, 5 ml/m3 nước. 

3.2.   Bệnh tuyến trùng 

3.2.1. Dấu hiệu bệnh lý

          Do ký sinh trùng đường ruột gây ra làm lươn bị viêm đường ruột, ruột sưng đỏ. Nếu ký sinh với khối lượng lớn, lươn yếu, hậu môn sưng đỏ, sẽ chết dần (Phạm Thị Thu Hồng, 2009).

3.2.2. Tác nhân gây bệnh

          Ký sinh trùng đường ruột là tuyến trùng có màu trắng, dài khoảng 1 cm, đầu bám vào niêm mạc phá hoại mô, hình thành bào nang trong đường ruột lươn.

3.2.3.  Phòng và trị bệnh

          Dùng sản phẩm diệt nội kí sinh Hadaclean® A trộn vào thức ăn với liều 1 kg/200 kg thức ăn cho ăn liên tục trong 3 ngày, định kỳ 2 tuần 1 lần để phòng bệnh, đồng thời bổ sung thêm Aqua C® Fish vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho lươn.

          Khi phát hiện bệnh dùng Hadaclean® A với liều 1 kg/150 kg thức ăn cho ăn liên tục từ 3 – 5 ngày.

3.3.   Bệnh lở loét

3.3.1. Dấu hiệu bệnh lý

          Còn gọi là bệnh đóng dấu, trên mình lươn xuất hiện nhiều vết tròn, hình bầu dục. Da lươn bị lở loét, bị nặng đuôi lươn bị rụng đi, bơi lội khó khăn. Đầu lươn ngóc lên khỏi mặt nước, bệnh thường xảy ra vào tháng 5-9 (Nguyễn Trọng Lư, 2001)

3.3.2  Tác nhân gây bệnh

          Bệnh do ký sinh trùng, vi trùng bám vào vết thương.

3.3.3  Phòng và trị bệnh

            Trị bệnh: Trước khi nuôi sát trùng bể bằng vôi. Khi mắc bệnh cần phun thuốc Streptomycin ở toàn bể, dùng 250.000 UI/m3; dùng 0,5 g Sulffamidine trộn vào thức ăn cho 50 kg lươn ăn, mỗi ngày 1 lần, điều trị mỗi đợt 5 – 7 ngày cũng có thể trực tiếp bôi thuốc tím vào vết loét.

Ngoài ra, có thể dùng Baymet® với liều dùng như sau:

             Lươn giống – 100 g: Trộn 1 kg thuốc/200 kg thức ăn/ngày điều trị liên tục trong 5 -10 ngày.

             Lươn từ 100 g - thu hoạch: Trộn 1 kg thuốc/100 – 200 kg thức ăn/ngày, điều trị liên tục trong 5 – 10 ngày.

            *Liều tắm: 100 g thuốc /2 – 5 m3 nước. Sau 24 giờ thay 20 – 30 % nước và sử dụng thuốc lại 1 – 2 lần nữa.

           Cách dùng: Để trộn BayMet® với thức ăn được đều, nên trộn thuốc với 1/10 lượng thức ăn trước, sau đó trộn kỹ hỗn hợp này với lượng thức ăn còn lại. Sau đó áo dầu mực hoặc dầu ăn bên ngoài, để khô 15 phút trước khi cho lươn ăn. Với thức ăn tự chế biến nên trộn thuốc sau khi đã nấu chín, áo dầu rồi cho lươn ăn. Khi tắm nên hoà thuốc vào xô nước rồi tạt đều vào bể nuôi.

3.4.   Bệnh nấm thuỷ mi

3.4.1. Dấu hiệu bệnh lý

          Trên mình và trứng lươn xuất hiện những vùng trắng xám, quan sát kỹ sẽ thấy những sợi nấm nhỏ nhìn trong nước giống như sợi bông mềm, tua tủa. Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân thu.

3.4.2. Tác nhân gây bệnh

          Bệnh do 2 loài nấm là Saprolegnia Achlya kí sinh gây nên, những sợi nấm bám chặt vào da lươn, hút chất dinh dưỡng, làm lươn mất máu, yếu dần rồi chết.

3.4.3. Phòng và trị bệnh 

          Phòng bệnh: Vệ sinh bể trước khi thả lươn vào nuôi, bón vôi và xử lý Virkon® A với liều 1 kg/1.000 m3 nước trước 2 ngày. Bổ sung thêm Aqua C® Fish vào thức ăn để tăng sức đề kháng.

          Trị bệnh: hoà tan 100-150 g vôi tưới khắp bể; ngâm lươn vào trong nước muối 3 – 5 % trong 3 – 5 phút, ngâm trong 2 ngày, mỗi ngày một lần; hoà Sodium bicarbonate với nước tỉ lệ 0,4 ‰, tưới khắp bể nuôi; xử lý nước bằng Virkon® A với liều 1 kg/1.000 m3.

3.5.   Bệnh đỉa

3.5.1. Dấu hiệu bệnh lý

          Phá hoại mô bì hút máu lươn khiến cho vi trùng xâm nhập gây ra viêm nhiễm, lươn yếu, chậm chạp kém ăn, ảnh hưởng đến sinh trưởng của lươn.

3.5.2. Tác nhân gây bệnh

          Do đỉa bám vào phần đầu lươn.

3.5.3. Phòng và trị bệnh

          Phòng bệnh: Dùng sản phẩm diệt ngoại kí sinh Hadaclean® A trộn vào thức ăn với liều 1 kg/200 kg thức ăn cho ăn liên tục trong 3 ngày, định kỳ 2 tuần 1 lần để phòng bệnh, đồng thời bổ sung thêm Aqua C® Fish vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho lươn.

          Khi phát hiện bệnh dùng Hadaclean® A với liều 1 kg/150 kg thức ăn cho ăn liên tục từ 3 – 5 ngày. Ngoài ra, có thể dùng dung dịch sulphate đồng nồng độ 100 ppm (25 kg nước + 2,5 g sulphate đồng) để tắm trong 5 – 10 phút.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Kỹ thuật chăn nuôi heo đen (16/11/2022 9:30 SA)

Phòng bệnh trong chăn nuôi dê(04/10/2022 9:27 SA)

Quy trình kỷ thuật thụ tinh nhân tạo cho dê, cừu bằng tinh cọng rạ(27/10/2021 7:11 CH)

Qui trình ủ rơm với urea làm thức ăn cho gia súc(08/09/2021 7:08 CH)

Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cừu(21/07/2021 7:08 CH)