32 người đang online
°

Phòng bệnh trong chăn nuôi dê

Đăng ngày 04 - 10 - 2022
Lượt xem: 1.997
100%

Trong chăn nuôi dê, thực hiện đúng quy trình phòng bệnh sẽ giúp vật nuôi có sức khỏe tốt, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

 

  Phòng bệnh bằng vaccine

Vaccine là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Tiêm phòng vaccine cho dê được coi là một trong các biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Vì vậy, hàng năm cần tiến hành tiêm phòng các loại vaccine cho dê.

Phòng bệnh đậu: Liều lượng sử dụng: 1 ml/con, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, tiêm 2 lần/năm.

Phòng bệnh tụ huyết trùng: Liều tiêm: 2 ml/con cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt. Tiêm định kỳ 2 lần/năm.

Phòng bệnh lở mồm long móng: Tiêm với liều 1 ml/con, tiêm sâu vào bắp thịt. Chủng mũi đầu tiên lúc 4 tháng tuổi; Chủng tăng cường: 9 tháng sau mũi đầu tiên; Tái chủng: Cứ 12 tháng chủng lại. Sau 2 tuần có miễn dịch, tiêm nhắc lại tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của địa phương.

Phòng bệnh viêm ruột hoại tử: Tiêm giải độc tố phòng bệnh viêm ruột hoại tử cho dê. Liều tiêm: 2 ml/con, tiêm dưới da cổ, mỗi năm tiêm 2 lần vào tháng 3 và tháng 9. Sau 2 tuần có miễn dịch.

  Vệ sinh phòng bệnh

Khi chưa có dịch bệnh

Chuồng trại phải được xây dựng ở nơi khô ráo, chống mưa hắt và đảm bảo độ thông thoáng, không ngột ngạt, mùa đông ấm áp và mát mẻ vào mùa hè. Cần có hàng rào bảo vệ xung quanh chuồng trại, có hố sát trùng ở cổng ra vào và ở đầu chuồng nuôi. Có hố ủ phân riêng hoặc hầm biogas. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, cũi lồng. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/tuần; Chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi chưa có dịch; Và 2 lần/tuần khi có dịch bệnh. Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng.

Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc, khử trùng thường xuyên.

 Hàng ngày phải kiểm tra số lượng đàn và tình trạng sức khỏe của từng con. Thường xuyên kiểm tra ve, ghẻ và giun sán. Định kỳ 2 lần/năm tẩy phòng các bệnh giun sán (trước và sau mùa mưa), tốt nhất là mỗi quý tẩy 1 lần.

Đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm các chất độc hại (thuốc bảo vệ thực vật, độc tố nấm, muối nitrat và nitrit), đồng thời không bị nhiễm các vi sinh vật có hại (vi khuẩn Salmonella), hoặc có số lượng dưới mức cho phép (vi khuẩn E. coli). Khi có lũ lụt thì cần xử lý nước bằng Cloramin B để diệt vi sinh vật gây bệnh.

Thức ăn cho dê cũng phải đảm bảo sạch, không có hóa chất độc, không có chứa các loại hormone kích thích sinh trưởng, không có độc tố nấm mốc theo quy định. Cung cấp đá liếm cho tất cả các loại để bổ sung khoáng đa - vi lượng, muối phòng các bệnh do thiếu khoáng.

Kiểm soát nghiêm ngặt lối ra vào khu nuôi, đảm bảo thức ăn và con giống từ cơ sở được xác nhận. Duy trì môi trường nuôi vệ sinh và an toàn để hạn chế khả năng bệnh có thể xâm nhập vào khu nuôi. Cấm người không có trách nhiệm ra vào trại, cấm mang các sản phẩm chăn nuôi, gia súc không được kiểm định từ ngoài vào trại.

Khi có dịch bệnh xảy ra

Tiến hành cách ly những con dê bị bệnh để điều trị kịp thời, không nên chăn thả để kiểm soát mầm bệnh.

Phải có găng tay và quần áo, giày, ủng bảo hộ cho người khi tiếp xúc, chăm sóc, điều trị cho dê bệnh. Sau đó cần sát trùng tay chân trước khi rời chuồng dê bệnh để tránh lây lan dịch bệnh.

Trường hợp dê bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm, cần nhốt cách ly những con mắc các bệnh ít nhất 2 tuần sau khi khỏi bệnh để tránh lây nhiễm cho các con khác.

Tăng cường đề kháng cho dê bệnh bằng cách cho ăn, uống đầy đủ hơn và bổ sung thêm khoáng, vitamin trong khẩu phần, đặc biệt là đối với dê mắc bệnh tiêu chảy.

Trường hợp bị tiêu chảy nặng kéo dài vài ngày phải tiếp nước và chất điện giải, đảm bảo sự cân bằng các chất điện giải trong cơ thể để tránh tử vong.

Nếu vật nuôi chết, đưa ngay xác vật nuôi ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý tuỳ từng loại bệnh. Không đưa vật nuôi ốm, chết và các chất thải của chúng ra môi trường khi chưa xử lý.

Theo dõi hàng ngày để phát hiện những con bị bệnh như: Không nhanh nhẹn, không đi theo đàn, đi lại khó khăn, không nhai lại để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Kỹ thuật chăn nuôi heo đen (16/11/2022 9:30 SA)

Một số bệnh thường gặp trên lươn nuôi thương phẩm (21/02/2022 3:28 CH)

Quy trình kỷ thuật thụ tinh nhân tạo cho dê, cừu bằng tinh cọng rạ(27/10/2021 7:11 CH)

Qui trình ủ rơm với urea làm thức ăn cho gia súc(08/09/2021 7:08 CH)

Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cừu(21/07/2021 7:08 CH)