Nắng hạn kéo dài và trăn trở của người nông dân trồng mía, mì tại Ninh Thuận
Ninh Thuận là địa phương có lượng mưa thấp nhất cả nước (bình quân từ 700-770 mm/năm), mùa mưa trong năm ngắn, với tổng số ngày mưa khoảng 65- 70 ngày (tập trung từ tháng 9 đến tháng 11). Nguồn nước chính để cung cấp cho dân sinh và sản xuất phụ thuộc vào 2 nguồn: Nguồn nước từ hồ Đơn Dương cấp cho nhà máy Thủy điện Đa Nhim chỉ đáp ứng khoảng 34-35% diện tích canh tác. Nguồn nước của 23 hồ chứa, với dung tích thiết kế là 417,70 triệu m3 để tưới cho trên 36.187 ha diện tích canh tác. Cùng với tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) hạn hán, thiếu nước xảy ra có tính chu kỳ, nhiều vùng phải dừng sản xuất 3 vụ liền/năm.
Huyện Ninh Sơn và Bác Ái là hai huyện có diện tích cây hàng năm tương đối lớn của tỉnh Ninh Thuận (vụ ĐX 2023-2024 khoảng 8.688 ha). Cây trồng hàng năm chủ lực của hai huyện này chủ yếu là lúa nước, mía, mì (sắn), bắp, đậu các loại.... Phần lớn diện tích đất cây hàng năm của hai huyện đều phụ thuộc vào nước trời, không chủ động được nguồn nước tưới.
Vụ Hè Thu hàng năm là thời điểm người dân hai huyện tập trung xuống giống mì và chăm sóc mía nhiều nhất (dự kiến diện tích mì trồng mới vụ Hè Thu 2024 khoảng 656 ha và chăm sóc trên 1.800 ha mía). Tính đến thời điểm đầu tháng 06/2024 thì trên địa bàn hai huyện đã có mưa vài nơi. Tuy nhiên, lượng mưa ít và không đồng điều, dẫn đến đất không đủ độ ẩm để người dân xuống hay chăm sóc tập trung được. Những khu vực đất đủ độ ẩm thì người dân đã bắt đầu xuống giống mì, tuy nhiên người dân vẫn lo ngại trời không mưa hoặc mưa nhỏ thì mì không đủ độ ẩm để nảy mầm và cỏ dại phát sinh nhiều gây tốn kém chi phí trừ cỏ dại. Đối với những khu vực chưa có mưa thì người dân lại đứng ngồi không yên do không xuống giống mì được, ngoài ra nếu giống mì để lâu sẽ bị nảy mầm thân làm hư hỏng không thể trồng được nữa.
Theo ông Nguyễn Hồng ở thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn cho hay “Tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, khi trời bắt đầu có mưa đầu mùa là thời điểm xuống giống mì cũng như chăm sóc, bón phân cho cây mía. Tuy nhiên, với lượng mưa ít như hiện tại thì không thể trồng mì được hoặc tiến hành bón phân, chăm sóc cho cây mía được. Nếu tình trạng này kéo dài có thể cây mía bị chết do không đủ sức để phát triển”. Vụ Hè Thu là thời điểm cây mía đang ở giai đoạn đẻ nhánh và vươn lóng cần cung cấp phân bón đủ và kịp thời để tăng số lượng cây mía trên ruộng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mía sau này, nếu như không được chăm sóc kịp thời có gây thiệt hại lớn cho người trồng mía”.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đặc biệt là hạn hán ngày càng phức tạp, gây ra mất mùa, làm thiệt hại đến nguồn sinh kế của người nông dân. Vì vậy, để thích ứng với biến đổi khí hậu thì người nông dân cần phải trang bị đầy đủ kiến thức để giảm thiệt hại đến kinh tế: chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, từ những cây trồng sử dụng nhiều nước sang nhưng cây sử dụng ít nước hơn; thay đổi phương pháp canh tác, chú trọng các biện pháp giữ ẩm cho cây trồng, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; Tích trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô
Nguồn: Nguyễn Ngọc Hoàng Sơn-Trạm khuyến Nông Ninh Sơn- Bác Ái