Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái tăng cường phối hợp thực hiện cấp bách “Biện pháp tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng cấp bách cho người dân mùa khô 2024”
Triển khai, thực hiện Văn bản số 302/CCKL-QLBVR ngày 19/4/2024 của Chi cục Kiểm lâm triển khai Văn bản số 1379/SNNPTNT, ngày 17/4/2024 chỉ đạo của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh;
Triển khai, thực hiện Văn bản số 870/UBND-TH ngày 22/4/2024 của Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái về việc tăng cường cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện.
Công tác nắm bắt, dự báo tình hình
Trước diễn biến của thời tiết hiện nay trên địa bàn huyện Bác Ái tiếp tục có thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, cấp dự báo cháy rừng Cấp IV (Cấp nguy hiểm) nguy cơ về cháy rừng rất cao. Đặc biệt, qua theo dõi từ những năm trước cho tới nay, thì tập quán canh tác của người dân miền núi trên địa bàn huyện Bác Ái bắt đầu công việc chuẩn bị dọn, đốt thực bì nương rẫy nằm trong, tiếp giáp với đất quy hoạch 03 loại rừng, nếu không có các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định, quy trình sẽ xảy ra tình trạng đốt rẫy gây cháy lan sang rừng tự nhiên rất khó kiểm soát, chữa cháy, đồng thời vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Nắm bắt được thực tế trên, Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái xác định hiện nay là thời điểm rất cần thiết phải tiếp tục tăng cường thực hiện biện pháp tuyên truyền cho người dân trên địa bàn từng xã, nắm bắt các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng theo Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10; Luật Lâm nghiệp 2017; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP về thi hành Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 35/2019/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 07/2022/NĐ-CP quy về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, giúp nhân dân nắm bắt, thực hiện đúng quy trình, quy định về phát, dọn, đốt nương rẫy; đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia với chính quyền, Chủ rừng, Kiểm lâm và Cảnh sát phòng cháy, cứu nạn cứu hộ nơi sở tại trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2024. Qua đó, Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái đã triển khai thực hiện những hình thức tuyên truyền phù hợp, có hiệu quả sau:
Công tác phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm huyện với các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương xã, thôn tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng
Ngay sau khi Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 được phê duyệt, Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái tổ chức triển khai, phối hợp với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tân Tiến, Vườn quốc gia Phước Bình, Ban quản lý RPHĐN liên hồ Sông Sắt – Sông Trâu và UBND 09 xã của huyện Bác Ái tổ chức được 31 Đợt tuyên truyền, với 2.571 lượt người tham gia, đã vận động được 198 hộ dân canh tác nương rẫy trong, ven rừng kí cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Các hình thức tuyên truyền được áp dụng và phát huy hiệu quả đó là:
Hình thức 1: Thông báo tập hợp nhân dân để họp tuyên truyền trực tiếp.
Hình thức 2: Đọc, phát “Bản tuyên truyền phòng cháy, chữa rừng” trên phương tiện Loa truyền thanh của thôn, xã.
Trong thời gian cao điểm của mùa khô hạn, nguy cơ cháy rừng từ những hoạt động dọn, đốt nương rẫy trong, ven rừng của người dân là rất cao, vi phạm pháp luật. Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái cụ thể hóa các văn bản, ý kiến chỉ đạo của cấp trên, đã tăng cường thêm về công tác tuyên truyền, có ban hành Văn bản số 129/HKL-QLBVR ngày 24/4/2024 để phối hợp với UBND các xã, có kèm theo Bản tuyên truyền do Hạt căn cứ theo các quy định của pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp để soạn thảo, đã nêu rõ những vấn liên quan như sau:
- Trách nhiệm bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đối với Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sinh sống, hoạt động ở trong, ven rừng quy định tại Điều 55, Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
- Hướng dẫn người dân: Khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
- Xử lý vi phạm: Hành vi vi phạm các quy định pháp luật về PCCCR gây cháy rừng được quy định tại Điều 16, 17 Nghị định 35/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 07/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
- Quyền lợi của người tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng: Theo Khoản 1, Điều 16, Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp quy định “Mức chi cho người trực cháy và người được huy động tham gia chữa cháy rừng “không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thấp nhất bằng 0,1 lần mức lương cơ sở. Nếu tham gia chữa cháy rừng từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau được tính gấp đôi. Cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định…vv.
Đánh giá kết quả triển khai: Đối với hình thức tuyên truyền nói trên thì không mới, nhưng vẫn là hình thức hiệu quả nhất trong các đợt cao điểm về phòng cháy, chữa rừng hàng năm và trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, cụ thể như sau:
- Các buổi họp dân trực tiếp hiện nay đã được đông đảo nhân dân có ý thức, quan tâm đến dự họp, là nhờ có sự quan tâm phối hợp của chính quyền địa phương các xã, thôn đã thường xuyên phát thông báo, vận động cho người dân được biết, đồng tình tham gia, nâng cao được chất lượng, hiệu quả trong các buổi họp. Đồng thời, nhờ hệ thống loa phát thanh của thôn, xã là phương tiện huy động hiệu quả các lực lượng và nhân dân tham gia chữa cháy, khi có cháy rừng xảy ra.
- Lãnh đạo các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương luôn quan tâm và đến trực tiếp dự các buổi họp của người dân, Nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng và các Tổ, Đội phòng cháy, chữa cháy rừng thì ngoài việc tuyên truyền còn vận động, khích lệ tinh thần cho người dân đã tham gia cùng với các lực lượng chuyên trách kịp thời cứu chữa nhiều những đám lửa cháy lan từ đất nương rẫy sang rừng tự nhiên trong thời gian vừa qua.
- Việc đọc, phát Bản tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng đã được sự quan tâm phối hợp của lãnh đạo UBND các xã, có chỉ đạo cho Cán bộ Văn hóa – Thông tin, Trưởng BQL thôn thường xuyên vào các giờ buổi Sáng từ 5 giờ đến 5 giờ 30 phút (nhân dân chưa đi làm), buổi Chiều từ 18 giờ đến 18 giờ 30 phút (nhân dân đi làm về) để người dân có thể nghe, nắm bắt được bản tin, hiểu rõ các quy định, nâng cao thêm nhận thức về việc tham gia bảo vệ rừng.
- Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân về các quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp cho nên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Bác Ái khi xảy ra các điểm cháy đã huy động được nhanh lực lượng, nhân dân đến cứu chữa kịp thời, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong dọn, đốt thực bì nương rẫy đã được nâng cao, thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật lâm nghiệp quy định./.
Nguồn: Nguyễn Xuân Viết – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái