Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại chó mèo

Bệnh Dại là bệnh do vi rút (Rhabdoviridae, giống Lyssavirus ) gây ra, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của các loài động vật có vú và người. Vi rút Dại lây truyền qua nước bọt, các chất bài tiết có nhiễm vi rút Dại ở vết cắn, vết liếm trên da, niêm mạc bị tổn thương, hay vết thương hở của động vật; là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây chết người, nếu không được điều trị dự phòng kịp thời. Nguồn bệnh chủ yếu là chó (trên 95%), mèo nuôi và động vật hoang dã như chó sói, chó hoang, chồn, cầy, cáo và một số loài động vật có vú khác. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, phụ thuộc vào sức khoẻ, tình trạng nặng, nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Bệnh thường phát triển mạnh vào mùa hè, nắng nóng; chó mèo chưa được tiêm phòng vắc xin dại.

 Để tiếp tục quá triệt tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo đúng quy định của Luật thú y, Luật phòng, chống bệnh truyển nhiễm, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg  ngày 21/4/2023; đặc biệt tổ chức triển khai có hiệu quả, đạt được các mục tiêu Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 (tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tường Chính phủ). Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch số 672/KH-UBND ngày 22/2/2022 Phòng chống, bệnh Dại giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh, Văn bản số 794/UBND-KTTH ngày 07/3/2023 V/v tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 1864/UBND-KTTH ngày 12/5/2023 và của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 1693/SNNPTNT-CNTY ngày 15/5/2023 V/v tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện: (1) Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ và số chó mèo nuôi ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; không để ảnh hưởng đến người dân xung quanh; chấp hành nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; (2) Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân (đặc biệt khu vực nông thôn, miền núi và đối tượng trẻ em) về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp, các quy định pháp luật về phòng chống bệnh dại, để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó có hiệu quả.; (3)Tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đồng loạt cùng vào một thời điểm, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2022-2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026-2030 theo quy định; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo. Hỗ trợ tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi khu vực II, III, biên giới...(4) Các đơn vị chuyên môn ngành y tế, thú y kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn; tổ chức điều tra xác minh nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định trên địa bàn quản lý. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung của Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Dại trên địa bàn tỉnh; tuyên tuyền, hướng dẫn hộ nuôi chó, mèo chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch bệnh là chính; rà soát,tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo nuôi bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn; kịp thời phân bổ hỗ trợ  vắc xin Dại (9.000 liều từ nguồn ngân sách tỉnh) cho các địa phương triển khai tiêm phòng đợt 1/2023 đúng tiến độ (theo kế hoạch số 68/KH-SNNPTNT ngày 06/4/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT).

Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức tập huấn tiêm phòng cho lực lượng thú y (Ban Nông nghiệp cấp xã) dự kiến tổ chức vào ngày 25/5/2023, để nâng cao kỹ năng giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch; thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các huyện, thành phố đã và đang triển khai tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi và gia súc, gia cầm đợt 1/2023 từ nguồn vắc xin của tỉnh hỗ trợ năm 2023 và kinh phí tiêm phòng của người dân. 

Nguồn:Nguyễn Điều - Phòng Quản lý dịch bệnh-Chi cục Chăn nuội và Thú y