Triển khai Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh

“Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản” là góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, ngày 24/8/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3684/KH-UBND để triển khai thực hiện Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

    Kế hoạch được thực hiện qua 2 giai đoạn với các mục tiêu cụ thể như sau: Giai đoạn 2021-2025, diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 10%/năm, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm, Cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm, Sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 10%/năm; Giai đoạn 2026-2030: Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 15%/năm; Duy trì 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm; Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm.

            Để hoàn thành các mục tiêu trên, Ninh Thuận xác định cần tập trung thực hiện 07 nhiệm vụ và giải pháp cơ bản như sau: (1) Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; nâng cấp hệ thống chợ đầu mối/trung tâm cung ứng, chợ bán lẻ nông lâm thủy sản, hoàn thiện chuỗi giá trị nông lâm thủy sản; (2) Triển khai hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; (3) Nghiên cứu, chuyển giao, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; (4) Tăng cường năng lực thực thi chính sách pháp luật, đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản đối với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; (5) Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP; (6) Phối hợp, huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội trong đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, phát triển vùng sản xuất chứng nhận GAP; khuyến khích cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương), phát triển sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; (7) Phát triển thị trường nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn./.

Nguồn: Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản