Triển khai công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2022

Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, góp phần vào việc phòng ngừa các nguy cơ gây hại cho sức khoẻ con người khi sử dụng các sản phẩm nông lâm thủy sản không an toàn sẽ gây ngộ độc và các biến chứng bệnh khác như: ung thư, tê liệt thần kinh, tiêu chảy… Các nhà sản xuất kinh doanh và chế biến thực phẩm cần phải có trách nhiệm, nhận thức đúng đắn về các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm để sản xuất và cung ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân toàn xã hội.

Để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh hiểu rõ các quy định của pháp luật về ATTP liên quan đến ngành nghề đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ ngày 08/3/2022 đến ngày 15/4/2022, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã chủ trì, phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn thuộc 07 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức 23 lớp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản với 920 lượt người tham gia gồm các nội dung:

 - Giới thiệu về mối nguy ATTP và hướng dẫn Thực hành tốt vệ sinh cá nhân và kiểm soát sức khỏe công nhân trong sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản;

   - Giới thiệu một số điểm mới của Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2018, Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ NN và PTNT và các văn bản sửa đổi bổ sung liên quan đến vấn đề ATTP nông lâm thủy sản.

   - Giới thiệu các nội dung, tiêu chí đánh giá, phân hạng OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

   - Giới thiệu các nội dung và tầm quan trọng của hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến 2030.

- Nâng cao trách nhiệm của các cơ sở trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông thủy sản an toàn bền vững trong tình hình mới.

Tham dự các lớp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm là đại diện chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất của các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến nông thủy sản (sản xuất muối; kinh doanh gạo; xay xát lúa; thu mua, sơ chế, chế biến rau, củ, quả; thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản tươi, khô, nước mắm; sản xuất cà phê bột; sản xuất nước đá phục vụ cho việc bảo quản thủy sản).

Trong quá trình tập huấn các học viên tích cực trao đổi, nêu ý kiến về những thắc mắc trong quá trình hoạt động tại cơ sở và được báo cáo viên tr lời những thắc mắc và hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính theo đúng các quy định hiện hành. Ngoài ra còn có sự tham gia phát biểu ý kiến chỉ đạo sát với thực tế của các đại diện UBND huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn nơi Chi cục tổ chức lớp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Qua tình hình tổ chức các lớp tập huấn cho thấy, các cấp chính quyền địa phương và người dân ngày càng ý thức rõ ràng hơn về vai trò an toàn thực phẩm trong sản xuất và cuộc sống hàng ngày. Ngày càng có nhiều người tham dự hơn. Các lớp tập huấn từ thành thị đến nông thôn đều có số lượng người tham dự đúng và đủ theo thành phần mời tham dự. Các học viên chủ động nêu ý kiến thảo luận sôi nổi.

Việc tổ chức và triển khai các nội dung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh nông thủy sản đã góp phần phát huy sức mạnh của quản lý Nhà nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp./.

Nguồn: Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản