Công tác giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển tôm giống trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

        1, Hiện trạng sản xuất tôm giống của tỉnh

Ninh Thuận được đánh giá là một trong những tỉnh có sự tập trung về quy mô sản xuất giống thủy sản; các doanh nghiệp sản xuất giống có sự đầu tư chiều sâu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học, chú ý đến an toàn sinh học để nâng cao chất lượng con giống. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 khu vực tập trung các cơ sở sản xuất tôm giống (An Hải-Ninh Phước, Ninh Hải, Cà Ná-Thuận Nam) với 450 cơ sở/hơn 1.200 trại sản xuất, tổng công suất bể ương hơn 145.639m3, với hơn 300 doanh nghiệp trung bình hằng năm sản xuất từ 30 - 40 tỷ con tôm postlarvae, đáp ứng trên 35% nhu cầu con giống của cả nước. Thương hiệu Tôm giống Ninh Thuận được nhiều địa phương biết đến và đánh giá cao về chất lượng (Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 299521 cho sản phẩm/dịch vụ tôm sú giống PL15 và tôm thẻ chân trắng giống PL12 được sản xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tại Quyết định số 32270/QĐ-SHTT ngày 15/5/2018 của Cục Sở hữu trí tuệ). Tôm giống Ninh Thuận từ lâu đã có thương hiệu và uy tín trên thị trường toàn quốc, trong đó 80% sản lượng giống hàng năm của Ninh Thuận cung cấp cho thị trường tỉnh ngoài, chủ yếu là các tỉnh phía Nam như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Kiên Giang..., một số ít được tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc như: Khánh Hòa, Bình Thuận, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, ... Số lượng tôm giống cung cấp cho các ao nuôi trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng giống toàn tỉnh.

2, Công tác quản lý

        - Công tác kiểm dịch giống thủy sản thực hiện theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản và thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm phục vụ kiểm dịch theo hướng dẫn tại Công văn hướng dẫn 1657/TY của Cục Thú y (mẫu gộp theo trại, theo đợt đối với 3 bệnh nguy hiểm WSSV, AHPND và IHHNV) có giá trị trên từng xe hàng, thực hiện thu mẫu xét nghiệm đánh giá lâm sàng trên 100% xe hàng kiểm dịch. Các cơ sở sản xuất khai báo lấy mẫu gộp theo đợt/trại giống khi đến giai đoạn Post 5, ước lượng số lượng tôm giống đã được xét nghiệm và đăng ký kiểm dịch xuất tỉnh theo hình thức trừ dần.

Qua kết quả xét nghiệm PCR, nếu phát hiện các mầm bệnh nguy hiểm, thực hiện tiêu hủy theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã đầu tư phần mềm Quản lý kiểm dịch để cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch, trả kết quả xét nghiệm, tổng hợp báo cáo tình hình dịch bệnh... từ năm 2014. Vì vậy, đã rút ngắn thời gian kiểm dịch chỉ còn 01 ngày so với quy định (kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn tỉnh 03 ngày) giúp giải quyết nhanh và đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhiều tổ chức và cá nhân đăng ký thực hiện thủ tục hành chính. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong công tác cải cách hành chính của ngành./.

Nguồn: Đặng Văn Hiệp-Chi cục Chăn nuôi và Thú y