Thành công từ nghề trồng nấm
Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm văn hóa, đô thị của tỉnh Ninh Thuận. Trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp dần do đô thị hóa thì nghề trồng nấm là một trong những hướng đi phù hợp để phát triển nông nghiệp thành phố. Chị Nguyễn Thị Châu Út, khu phố 4, phường Văn Hải là người tiên phong trồng nấm và là một trong những tấm gương điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.
Ban đầu chị trồng thử nấm bào ngư xám với diện tích 50 m2, do chưa có kinh nghiệm nên những bịch phôi đầu tiên sinh trưởng chậm, một số bịch bị thối, chị đã không bỏ cuộc mà cố gắng tìm kiếm thông tin qua các kênh khác nhau như: học cách trồng nấm thông qua các video trên mạng, tham quan và học tập kinh nghiệm tại một số cơ sở đã trồng nấm thành công… và từng bước khắc phục được những tồn tại trong sản xuất nấm của gia đình. Qua 7 năm tích lũy kinh nghiệm trồng, hiện tại chị đã mở rộng với diện tích 250 m2, với tên gọi là trang trại nấm Sao Mai và trồng nhiều loại nấm như: Nấm bào ngư xám, nấm linh chi, nấm rơm. Chị Út đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình trồng nấm như sau:
Thuận lợi:
- Tận dụng được các khu đất nhỏ hẹp, đất kém hiệu quả để sản xuất.
- Tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi tại gia đình để gia tăng thu nhập.
- Đảm bảo môi trường sống thân thiện với người dân.
Khó khăn:
- Chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao (80-100 triệu đồng/100m2 diện tích nhà trồng nấm).
- Thị trường tiêu thụ nấm chưa ổn định.
Theo chị cho biết: Tổng doanh thu từ trang trại nấm khoảng 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí: Phôi giống, vật tư, công lao động…lợi nhuận thu được trung bình 150 triệu/năm. Nấm sau khi thu hoạch được các cơ sở cung cấp giống bao tiêu sản phẩm và một số bán tại các chợ trong thành phố.
Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống và góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho một số lao động tại địa phương./.
Nguồn: Nguyễn Thị Nghĩa-Trạm khuyến nông thành phố PR-TC