Qui trình ủ rơm với urea làm thức ăn cho gia súc
Rơm lúa là nguồn nguyên liệu dồi dào dùng để chế biến thức ăn dự trữ cho gia súc. Sau khi thu hoạch lúa vụ chính, nguồn rơm rất nhiều, nếu đem đốt đi sẽ làm ô nhiễm môi trường. Vì thế, cách tốt nhất hiện nay là tận dụng rơm khô ủ với urea để chế biến thức ăn cho gia súc nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, mặc khác giúp người chăn nuôi chủ động thức ăn cho gia súc trong mùa đông, tăng quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng.
Phương pháp ủ rơm với urea là một quá trình lên men yếm khí giúp sợi rơm mềm hơn, bảo quản rơm không bị mốc, làm tăng tỉ lệ protein, tăng khả năng tiêu hóa cho gia súc, giúp chúng ăn nhiều hơn, sinh trưởng nhanh hơn.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu qui trình ủ rơm với urea:
- Đặc điểm về dinh dưỡng của rơm lúa
Giá trị dinh dưỡng thấp, đặc biệt là chất đạm.
Tỷ lệ tiêu hóa kém (<40%) => Thời gian lưu thức ăn lâu => Lượng ăn vào thấp.
- Mục đích ủ rơm với urea
Thay đổi cấu trúc xơ của rơm (rơm mềm hơn, tiêu hóa tốt hơn).
Tăng được giá trị dinh dưỡng, đặc biệt chất đạm (từ 3- 4% lên 7- 8%).
Tạo điều kiện vi sinh vật hoạt động tốt hơn (NH3 và rỉ mật).
- Vật dụng để ủ
Hố xây bằng gạch (2 ngăn), ống cống.
Thùng phuy nhựa.
Bao ni lon dạng cuộn làm Biogas.
Túi nilon (kích thước vừa đúng cuộn rơm).
- Qui trình ủ rơm
Công thức ủ: (Cho 100 kg rơm)
80 - 100 lít nước + 4 kg urea +2 kg rỉ mật +1 kg muối.
Bước 1: Hòa urea, rỉ mật, muối vào nước (theo tỷ lệ với rơm như trên)
Bước 2: Cho rơm vào vật dụng ủ
Nếu hố ủ, ống cống => Cho vào từng lớp khoảng 40 cm. Nếu bao hoặc túi nilon => Cho vào đầy hoặc cho cuộn rơm vào túi nilon.
Nên dùng cây đục lỗ giữa cuộn rơm để tăng độ thấm hút.
Bước 3: Tưới nước đã hòa các chất bổ sung vào rơm (tưới từ từ cho ngấm).
Nếu ủ trong hố ủ, ống cống => Giẫm chặt từng lớp rồi làm lớp khác.
Nếu ủ trong bao hoặc túi nilon thì tưới từ từ cho ngấm đều.
Bước 4: Đậy chặt hố ủ, ống cống, cột chặt miệng bao, túi nilon, để vào nơi râm mát.
- Cách sử dụng
Kiểm tra chất lượng rơm ủ:
Rơm ẩm, có màu vàng tươi.
Có độ nóng cao, mùi khai nước tiểu rất nồng.
Không bị mốc xanh, đen; Có thể có một ít mốc trắng.
Tính lượng rơm để ủ:
Một con trâu bò ăn khoảng 3-7 kg rơm mỗi ngày tùy vào lượng cỏ.
Một con dê cừu ăn bằng 1/10 lượng trâu bò.
=> Ủ rơm rời sau 1 tuần lấy cho ăn => Tính ra số rơm cần ủ cho cả đàn.
=> Ủ rơm cuộn thành cục thì sau 2 tuần lấy cho ăn; nên ủ gối đầu để có thức ăn liên tục không bị gián đoạn.
Lưu ý: Thông thường hiện nay trọng lượng của 1 cuộn rơm khoảng 12 -15 kg tùy theo phơi nắng trước khi cuộn, nếu khô khoảng 12 kg, chưa khô lắm thì 15 kg; nên để khô hãy cuộn thì không bị mốc bên trong.
Tập cho gia súc ăn: Tập cho ăn từ từ, cần thiết cho nhịn đói.
Không rửa lại nước, không phơi khô khi cho ăn.
Lượng cho ăn: Cho ăn tối đa, có thể thay thế đến 80% lượng cỏ xanh.
Với qui trình ủ thức ăn này, người chăn nuôi có thể áp dụng để chủ động đáp ứng nguồn thức ăn có chất lượng, tăng hiệu quả trong chăn nuôi gia súc nhai lại./.
Nguồn: Đỗ Ngọc Sơn-Trạm KN huyện Ninh Phước