88 người đang online
°

Ninh Thuận tham dự Hội nghị giải pháp phát triển ngành tôm và ký kết Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022

Đăng ngày 12 - 03 - 2022
Lượt xem: 209
100%

 

Ngày 11 tháng 03 năm 2022, tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến về giải pháp phát triển ngành tôm năm 2022 và ký quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh nuôi tôm, sản xuất tôm giống nước lợ.

Hội nghị ký kết quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng; ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Tham dự trực tiếp và trực tuyến có đại diện Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh ven biển đại diện các tỉnh tiêu thụ và sản xuất tôm giống nước lợ; đại diện lãnh đạo  các đơn vị trong ngành Nông nghiệp các tỉnh nuôi tôm ven biển và một số doanh nghiệpcơ sở sản xuất giống tôm nước lợ.

Hội nghị đã nghe các báo cáo về tình hình nuôi tôm, dịch bệnh năm 2021, dự báo thị trường và bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2022.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2021, cả nước sản xuất được 41.000 con tôm bố mẹ (21.000 con tôm thẻ chân trắng và 20.000 con tôm sú); sản xuất tôm giống đạt 144,5 tỷ con (tăng 11 % so với cùng kỳ năm 2020). Diện tích tôm nước lợ thả nuôi đạt 747 nghìn ha (nuôi tôm sú là 626 nghìn ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 121 nghìn ha). Sản lượng tôm nuôi các loại năm 2021 đạt 970 nghìn tấn (tăng 4,3% so với năm 2020); trong đó, tôm sú 265 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 655 nghìn tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD (tăng 5,4% so với năm 2020).

Năm 2022, ngành thủy sản phấn đấu sản xuất khoảng 260.000 - 270.000 con tôm bố mẹ (tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000 con, tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140-150 tỷ con (tôm thẻ chân trắng 100-110 tỷ con và tôm sú 30-40 tỷ con). Diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn, trong đó tôm sú 275 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 675 nghìn tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm trên thế giới sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 10-12%.

Cũng tại hội nghị, diễn ra lễ ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022. Việc ký kết Quy chế phối hợp giữa các tỉnh nhằm phối hợp phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm, đồng thời đảm bảo việc trao đổi thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý giống tôm nước lợ, các địa phương cung cấp giống tôm nước lợ gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các địa phương tiêu thụ gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Một số tỉnh đại diện tham gia Lễ ký kết Quy chế phối hợp tại Hội nghị

Theo nội dung Quy chế, hàng năm, các địa phương sản xuất giống tôm sẽ cung cấp danh sách và thông tin liên quan của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ đủ/không đủ điều trên địa bàn quản lý. Danh sách các cơ sở thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và thông tin về nội dung công bố cho các địa phương tiêu thụ được biết. Trong trường hợp các địa phương tiêu thụ phát hiện tôm giống tại cơ sở nuôi có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng như tôm chậm lớn, tôm bị nhiễm các bệnh nguy hiểm trong gian đoạn đầu thả nuôi, … thì thông báo cho các địa phương có cơ sở sản xuất giống để xem xét, xác minh và truy xuất nguồn gốc tôm giống. Ngoài ra, trong quá trình quản lý, các bên phát hiện hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông và chất lượng giống tôm nước lợ thì báo cáo cho Tổng cục Thủy sản để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, địa phương có cơ sở sản xuất tôm giống và địa phương tiêu thụ thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm trong quản lý giống tôm nước lợ và thông tin những mô hình sản xuất tôm giống có hiệu quả.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông và chất lượng giống tôm nước lợ thì các bên cung cấp thông tin cho các địa phương tham gia ký kết Quy chế. Trong trường hợp có phản ánh của bên tiêu thụ về cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ, các địa phương có cơ sở sản xuất giống có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xử lý và thông tin kịp thời. Hàng năm, có đánh giá hiệu quả phối hợp và thực hiện Quy chế.

Tham gia trực tiếp tại Hội nghị, đại diện tỉnh Ninh Thuận - ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo về tình hình sản xuất, cung ứng và quản lý kiểm dịch tôm giống của tỉnh.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên ưu đãi phù hợp với đặc tính sinh trưởng của tôm nước lợ; Ninh Thuận hiện là trung tâm sản xuất tôm giống lớn của cả nước, cung ứng con giống có chất lượng cao, quản lý an toàn dịch bệnh, hàng năm cung cấp hơn 40 tỷ con tôm giống, chiếm 1/3 nhu cầu tôm giống của cả nước; trong số đó 80% cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Nam. Một số địa phương tiêu thụ tôm giống số lượng lớn từ Ninh Thuận như Cà Mau (5,7 tỷ con), Bến Tre (4,9 tỷ con), Sóc Trăng (4,4 tỷ con), Bạc Liêu (3,3 tỷ con), Trà Vinh (3,1 tỷ con)...

Toàn tỉnh hiện có 450 cơ sở hoạt động sản xuất tôm giống, đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ương dưỡng giống thủy sản theo quy định đạt 92,5% tổng số cơ sở sản xuất. Năm 2021 đã kiểm dịch xuất tỉnh 64.985 lô hàng giống thủy sản, với số lượng 37,09 tỷ con tôm postlarvae giống (Tôm sú giống: 8,124 tỷ con, Tôm thẻ chân trắng giống 28,915 tỷ con); thực hiện kiểm soát 100% các lô hàng sạch các bệnh nguy hiểm: bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV). Kết quả kiểm dịch tôm giống từ Ninh Thuận được cập nhật vào lúc 17 giờ hàng ngày trên trang Web http://chicuccntyninhthuan.gov.vn, gồm các thông tin về tên cơ sở sản xuất tôm giống, thời gian kiểm dịch, số lượng, kích thước, đối tượng kiểm dịch, số giấy chứng nhận kiểm dịch, số phiếu kết quả xét nghiệm, nơi nhận hàng (ấp, xã, huyện), biển kiểm soát của phương tiện vận chuyển; qua đó cơ quan quản lý nơi đến có thể truy cập, nắm bắt thông tin và giám sát các lô hàng tôm giống vận chuyển vào địa phương.

Qua Hội nghị, Ninh Thuận mong muốn hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương tiêu thụ tôm giống để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về kiểm dịch tôm giống, giả nhãn mác hàng hóa, tôm giống không rõ nguồn gốc. Các nhãn hiệu giả sẽ được Ninh Thuận kiểm tra rà soát kỹ các thông tin, công bố công khai trên trang thông tin điện tử để các tỉnh phối hợp quản lý./.

Tin liên quan

Tạp chí Thủy sản Việt Nam số 6(373)(17/03/2022 10:41 SA)

Nâng cao hiệu quả khai thác từ mô hình liên kết tổ, đội của ngư dân xã Thanh Hải(10/03/2022 9:32 SA)

Tin mới nhất

Tập huấn: Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cho...(28/09/2023 3:56 CH)

Thành công trong sinh sản nhân tạo Mực nhảy Biển Đông của chàng trai 8x Nguyễn Bá Ngọc(27/07/2023 3:06 CH)

Thành công trong việc nuôi thử nghiệm cá Bớp trong ao đất tại thôn Gò Gũ, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải(15/06/2023 3:43 CH)

Ninh Thuận – Cà Mau tăng cường phối hợp trong công tác quản lý giống thủy sản năm 2023(06/06/2023 2:08 CH)

Tiêm vaccine phòng bệnh Iridovirus trên cá mú giống(13/04/2023 2:20 CH)